Quốc gia mới nhất cho phép nhân viên 'mặc kệ sếp' sau giờ làm
Nhân viên Australia hiện có thể bỏ qua tin nhắn, email, cuộc gọi công việc nhờ luật quy định 'quyền ngắt kết nối' ngoài giờ làm.
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 26/8, có nghĩa là trong hầu hết trường hợp, nhân viên không thể bị phạt vì từ chối đọc hoặc trả lời thông báo từ người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc, Reuters đưa tin.
Những người ủng hộ cho biết luật này mang lại cho người lao động sự tự tin để chống lại sự xâm phạm liên tục vào cuộc sống cá nhân của họ thông qua email, tin nhắn và cuộc gọi công việc - một xu hướng đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 làm xáo trộn ranh giới giữa gia đình và công việc.
John Hopkins, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Swinburne, cho biết: "Trước khi có công nghệ số, không có sự xâm lấn nào cả, mọi người sẽ về nhà sau ca làm việc và không liên lạc với nhau cho đến khi họ quay lại vào ngày hôm sau. Bây giờ, trên toàn cầu, việc gửi email, nhắn tin SMS, gọi điện thoại ngoài giờ làm việc, ngay cả khi đi nghỉ, đã trở thành chuyện bình thường".
Làm thêm giờ không công
Theo một cuộc khảo sát do Viện Australia thực hiện vào năm ngoái, người dân nước này trung bình làm thêm giờ không công 281 giờ vào năm 2023 và ước tính giá trị tiền tệ của lao động này là 88 tỷ USD.
Những thay đổi về luật đưa Australia vào nhóm khoảng 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ Latinh, có luật tương tự.
Theo luật có hiệu lực từ năm 2022, các công chức liên bang của chính quyền Bỉ sẽ không cần phải trả lời email hoặc cuộc gọi từ cơ quan ngoài giờ làm việc, trừ những trường hợp rất đặc thù.
Pháp đưa ra các quy định này vào năm 2017 và một năm sau đã phạt công ty Rentokil Initial 66.700 USD vì yêu cầu nhân viên phải luôn bật điện thoại. Quyền ngắt kết nối cũng được bảo vệ ở Italy vào năm 2017, Tây Ban Nha vào năm 2018, Bồ Đào Nha vào năm 2021.
Rachel Abdelnour, làm việc trong ngành quảng cáo, cho biết những thay đổi sẽ giúp cô thoát khỏi sự phụ thuộc vào một ngành mà khách hàng thường có giờ làm việc khác nhau.
"Tôi nghĩ rằng thực sự rất quan trọng khi chúng ta có những luật như thế này. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để kết nối với điện thoại, kết nối với email cả ngày, và tôi nghĩ rằng thực sự rất khó để tắt chúng đi", cô nói với Reuters.
Trường hợp khẩn cấp
Để giải quyết các trường hợp khẩn cấp và công việc có giờ làm không cố định, quy định ở Australia vẫn cho phép người sử dụng lao động liên lạc với người lao động, và họ chỉ có thể từ chối trả lời khi thấy hợp lý.
Việc xác định xem việc từ chối có hợp lý hay không sẽ do Ủy ban Công bằng Lao động Australia (FWC) quyết định. Cơ quan này phải xem xét vai trò, hoàn cảnh cá nhân của nhân viên cũng như cách thức và lý do liên lạc được thực hiện.
Cơ quan này có thẩm quyền ban hành lệnh ngừng và hủy bỏ, nếu không sẽ phạt tiền lên tới 19.000 AUD đối với một nhân viên hoặc 94.000 AUD đối với một công ty.
Nhưng Australian Industry Group - nhóm người sử dụng lao động - cho biết sự mơ hồ về cách áp dụng quy tắc sẽ gây nhầm lẫn cho cả sếp và nhân viên. Công việc sẽ trở nên kém linh hoạt hơn và làm chậm nền kinh tế, nhóm này nói thêm.
"Các quy định này được ban hành một cách thiếu cân nhắc, không có sự tham vấn đầy đủ về tác động thực tế của chúng và khiến người sử dụng lao động có ít thời gian để chuẩn bị", nhóm cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Australia Michele O'Neil nói rằng cảnh báo được đưa vào luật có nghĩa là nó sẽ không can thiệp vào các yêu cầu hợp lý. Thay vào đó, nó sẽ ngăn chặn người lao động phải trả giá cho việc lập kế hoạch kém của ban quản lý công ty, bà nói.
Bà đã trích dẫn một công nhân không rõ danh tính đã kết thúc ca làm việc vào lúc nửa đêm, chỉ để nhận được tin nhắn 4 giờ sau đó và được yêu cầu quay lại làm việc trước 6 giờ sáng.
"Việc tiếp xúc quá dễ dàng đến nỗi không còn áp dụng được lý lẽ thông thường nữa. Chúng tôi nghĩ điều này sẽ khiến các ông chủ phải dừng lại và suy nghĩ xem liệu họ có thực sự cần gửi tin nhắn văn bản hoặc email đó hay không", bà nói.