Quốc gia mới nổi với giới siêu giàu toàn cầu
Giới siêu giàu trên toàn cầu đang đổ xô tới Italy nhằm trải nghiệm lối sống và ưu đãi về thuế. Xu hướng đó đã thúc đẩy thị trường bất động sản và thương hiệu xa xỉ tại nước này.
Các căn phòng rộng lớn của Palazzo Raggi - công trình kiến trúc từ thế kỷ XVIII cách Spanish Steps ở Rome không xa - từng là nơi sinh sống của gia đình quý tộc, các hồng y và nhiều nhân vật lịch sử khác xuất thân từ tầng lớp quý tộc Italy.
Hiện tại, tòa nhà 6 tầng bỏ hoang nhiều năm đang được tu bổ và chuẩn bị chào đón tầng lớp dân cư mới: Những tỷ phú nước ngoài quay lưng với Thụy Sĩ, Dubai hay quần đảo Cayman và chuyển đến Italy để trải nghiệm lối sống dolce vita (sống hết mình với hiện tại, cuộc sống lạc quan, vui vẻ, hoặc xa xỉ) và tận hưởng lợi ích tài chính từ hệ thống thuế.
Năm 2017, Italy triển khai chương trình kích cầu áp dụng cho giới siêu giàu mọi quốc tịch. Để đổi lấy việc trả phí hàng năm 100.000 euro, người cư trú tại quốc gia này được miễn hoàn toàn nộp thuế thu nhập phát sinh từ nước ngoài. Ý tưởng này cũng mở rộng cho các thành viên trong gia đình, với khoản phí 25.000 euro/người.
Biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu lớn ở Italy đã thu hút 98 người trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 549 người vào năm 2020 và 1.339 vào năm 2021.
Theo Guardian, sự xuất hiện của tầng lớp này làm hồi sinh thị trường nhà ở cao cấp, thúc đẩy tái phát triển các địa danh lịch sử đã bị lãng quên từ lâu ở các trung tâm thành phố.
Thị trường bất động sản cao cấp sôi động
19 trên 29 căn hộ sang trọng trong Palazzo Raggi đã có chủ, kể từ khi rao bán cách đây chưa đầy một năm.
“Chúng tôi chưa bao giờ giao dịch nhanh tới vậy ở Rome”, Diletta Giorgolo - người đứng đầu bộ phận bất động sản nhà ở tại Italy Sotheby's International Realty - cho biết. “Mọi người muốn có một phần tòa nhà từ thế kỷ XVIII, nhưng với nội thất hoàn toàn theo phong cách hiện đại”.
Công việc của bà Giorgolo bận rộn trong vài năm trở lại đây. Dòng người siêu giàu thực sự bắt đầu đổ vào Italy từ năm 2019, một phần vì có những cá nhân tại Vương quốc Anh - nơi có hệ thống tương tự Italy - dịch chuyển do hệ quả từ Brexit. Sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến một số người xem xét lại lối sống.
Bà Giorgolo đã bán bất động sản trên đảo Capri cho cặp vợ chồng người Pháp, một biệt thự trị giá 20 triệu euro ở Venice cho khách hàng Trung Quốc, và một biệt thự giá 10 triệu euro ở Laglio cho cặp vợ chồng từ Thụy Sĩ.
Gần đây nhất, bà cũng tiếp một số khách hàng hưởng lợi từ thuế phẳng, như hai vợ chồng người Hà Lan mua căn nhà ở Rome giá hơn 10 triệu USD, và một người trả hơn 11 triệu euro cho địa điểm ở Milan.
“Một số mua những bất động sản mới tung ra thị trường, số khác mua bất động sản cần phải tu bổ. Có người lại thuê những bất động sản hàng đầu trong năm đầu tiên ở Italy trước khi quyết định mua. Thị trường bất động sản cao cấp nhất đang chứng kiến một trong những điều tốt đẹp nhất”, bà Giorgolo nói.
Marco Cerrato - luật sư về thuế và đối tác tại Maisto e Associati ở Milan - đã xử lý các vấn đề tài chính của một số cư dân tỷ phú mới ở Italy. Nhiều khách hàng của ông là công dân nước ngoài từng thuộc nhóm không cư trú cố định (non-domicile residence) tại Anh.
Đây là người sống ở Vương quốc Anh và là đối tượng cư trú chịu thuế ở đây, nhưng có nhà ở cố định bên ngoài nước này. Họ cũng không phải nộp thuế thu nhập và lãi kiếm được từ nước ngoài, trừ khi mang tiền hoặc gửi vào tài khoản ngân hàng tại Anh.
“Brexit là một phần nguyên nhân, khi Vương quốc Anh, đặc biệt London, bắt đầu đem lại cảm giác không hiếu khách nhiều như trước. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là nhiều người lo ngại đảng Lao động có thể giành chiến thắng trong đợt bầu cử tiếp theo, dẫn đến bãi bỏ những ưu đãi về thuế”, vị luật sư cho hay.
Ngoài ra, nhiều cá nhân trong nhóm siêu giàu chuyển nơi cư trú từ Thụy Sĩ - quốc gia cũng có chế độ thuế ưu đãi - đến Italy vì họ bị thu hút bởi chi phí sinh hoạt rẻ hơn, vẻ đẹp và khí hậu ấm áp. Có những người đến từ châu Á hoặc Nam Mỹ.
Họ là chủ ngân hàng đầu tư, nhà quản lý tài sản, doanh nhân, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ hoặc người có thu nhập từ cổ tức hoặc ủy thác.
“Lúc đầu, chế độ thuế phẳng đặc biệt nhắm tới người có thu nhập thụ động”, ông Cerrato nói. “Sau đó, hệ thống này thu hút cả những người đang tích cực làm việc và phải trả thuế cho thu nhập tạo ra ở Italy”.
Đổ đầu tư với khu siêu giàu
Năm 2021, cơ quan thuế Italy thu về 108 triệu euro từ sáng kiến này, trong khi các thương hiệu xa xỉ đang đầu tư nhiều hơn vào khu vực giới siêu giàu sinh sống, chủ yếu ở Rome, Milan, Florence và Venice, bên cạnh khu vực của Tuscany, Lombardy và Liguria.
Bà Giorgolo cho biết Noto, khu vực của Sicily nằm ở phía nam Catania, đã và đang thu hút rất nhiều người giàu có.
“Catania có đường hàng không thuận tiện, một yếu tố thúc đẩy sự quan tâm”, bà nói. “Vì vậy, trừ khi họ cần phải ở trong thành phố, nhiều người tập trung vào khu vực có cảnh đẹp như Sicily. Nhưng nhìn chung, khắp Italy đều nhận được sự quan tâm ngày càng lớn”.
Phòng trưng bày cho những tài sản đang được rao bán tại Palazzo Raggi - dự kiến hoàn thành tu bổ vào cuối năm 2024 - thu hút lượng khách hàng tiềm năng ổn định. Vincenzo Lupattelli, giám đốc bán hàng của Sotheby's, không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về khách hàng của mình.
“Palazzo Raggi mang đẳng cấp”, ông nói. “Không có gì quyến rũ bằng bể sục và phòng xông hơi. Họ (chủ bất động sản) cũng sẽ không mang theo một chiếc ôtô hào nhoáng vì không có hầm để xe.
"Họ là những cá nhân muốn cảm nhận lịch sử nhưng trong khung cảnh hiện đại và thích đi dạo quanh Rome. Họ sẽ không phải đối phó với những người hàng xóm ồn ào vì chuyên gia âm thanh đang nghiên cứu cách âm tất cả căn hộ”, ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quoc-gia-moi-noi-voi-gioi-sieu-giau-toan-cau-post1429945.html