Quốc gia Nam Mỹ thanh toán hàng nhập Trung Quốc bằng nhân dân tệ
Argentina đặt mục tiêu thanh toán phần lớn hàng nhập khẩu hàng tháng từ Trung Quốc bằng nhân dân tệ thay vì USD.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa, Buenos Aires và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ vào năm ngoái, nhằm ngăn chặn dòng USD chảy ra khỏi ngân hàng trung ương Argentina.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Argentina sau Brazil và là điểm đến lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu của Argentina. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Argentina từ Trung Quốc vào khoảng 13,5 tỷ USD vào năm 2021, theo cơ sở dữ liệu của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế.
Ông Massa nói rằng, Buenos Aires sẽ trả số tiền tương đương 1 tỷ USD bằng đồng nhân dân tệ cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc trong tháng này. Mỗi tháng sau đó, 790 triệu USD hàng nhập khẩu sẽ được thanh toán bằng nhân dân tệ.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, được mở rộng và hoàn tất vào đầu năm nay, cũng cho phép các nhà xuất khẩu Argentina thanh toán bằng nhân dân tệ hoặc USD, giúp cân bằng dòng ngoại tệ trong ngân hàng trung ương.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi các quốc gia đang phát triển tránh xa đồng USD để ủng hộ đồng tiền của chính họ. Ấn Độ cũng đang nỗ lực sử dụng đồng nội tệ hoặc đồng nhân dân tệ để giải quyết thương mại với Trung Quốc, trong khi Nga bắt đầu chấp nhận thanh toán hàng xuất khẩu của mình từ một số quốc gia bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Stephen Jen của công ty quản lý tài sản Eurizon có trụ sở tại London, gần đây nói với Bloomberg rằng tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ toàn cầu năm ngoái đã giảm nhanh gấp 10 lần so với 2 thập kỷ qua. Quá trình này đã tăng tốc sau khi các quốc gia khác chứng kiến đồng USD và tài sản bằng đồng euro của Nga bị đóng băng ở nước ngoài và Moscow bị cắt khỏi hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây thừa nhận vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới có thể giảm đi. Lý do là vì Washington sử dụng đòn bẩy của mình đối với hệ thống tài chính toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị thông qua các biện pháp trừng phạt.
Theo RT