Quốc gia NATO phản đối trừng phạt dầu khí Nga, Ukraine chất vấn về 'động cơ' thực sự
Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đã lên án Hungary vì nước này 'nói 'không' với mọi thứ'.
Đài RT (Nga) đưa tin, sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, Peter Szijjarto, cho biết Budapest không có khả năng ủng hộ các hình phạt nhắm vào khí đốt và dầu mỏ của Nga do lo ngại lợi ích tài chính của nước này bị tổn hại, Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đã đăng bài viết dài chất vấn "động cơ" của Hungary.
Theo đó, bà Vereshchuk đã lên án Hungary "thân Nga", và nói rằng có thể khát khao về "khí đốt Nga giá rẻ" hoặc thậm chí là mong muốn chiếm lãnh thổ có thể là động cơ thúc đẩy chính sách của Hungary trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Phó Thủ tướng Ukraine đã liệt kê hàng loạt những động thái thể hiện lập trường của Hungary: không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga, từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine và thậm chí "không cho phép vũ khí từ các nước khác đi qua lãnh thổ của họ" sang Ukraine.
"Họ nói 'không' với mọi thứ. Chỉ một chút nữa thôi là họ sẽ trở nên hoàn toàn thân Nga. Đây là cái gì vậy? Họ muốn khí đốt giá rẻ của Nga sao? Hay họ muốn Transcarpathia của chúng tôi?" - bà Vereshchuk nhắc nhở Hungary "không lặp lại những sai lầm thời Thế chiến II" khi đưa ra lựa chọn sai lầm.
Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Szijjarto đã thể hiện rõ quan điểm về các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga có nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích của nước này, bao gồm trừng phạt khí đốt và dầu mỏ của Nga.
Ông Szijjarto cũng tái khẳng định rằng Hungary phản đối bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc cử binh sĩ NATO đến Ukraine hoặc thiết lập vùng cấm bay tại nước này, do lo ngại những hành động đó sẽ làm tăng nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn hơn.
Mặc dù chính phủ Hungary, một quốc gia thuộc khối liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, đã lên án cái mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine và ủng hộ một số biện pháp trừng phạt, họ vẫn nhất quán bảo vệ mong muốn "đứng ngoài" cuộc xung đột và từ chối tham gia hỗ trợ vũ khí cho Ukraine cùng các nước khác.