Quốc gia thịnh vượng phải bắt đầu từ những gia đình hạnh phúc

Khẩu hiệu 'Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng' được chọn là chủ đề cho Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024. Điều đó cho thấy hạnh phúc của từng gia đình có vai trò rất quan trọng góp phần làm nên một đất nước hạnh phúc.

Khẩu hiệu được treo ở rất nhiều nơi công cộng, phát trên các phương tiện truyền thông trong những ngày này. Nhiều người tiếp cận với khẩu hiệu, nhưng liệu sẽ có bao nhiêu người thực sự cảm nhận được ý nghĩa, giá trị và nâng cao thêm trách nhiệm cá nhân bởi slogan rất hay ấy?

Cũng có thể nó tác động trực quan đến người tiếp nhận tại thời điểm, nhưng lại nhanh chóng bị quên đi sau đó vì rất nhiều lý do.

Xã hội càng phát triển thì yêu cầu công việc, các mối quan hệ, áp lực thu nhập của từng cá nhân cũng trở nên gấp gáp và nhiều hơn. Gia đình được ví là tổ ấm, nơi để “chữa lành”... nhưng hãy nhìn xem trong cuộc sống gấp gáp và đầy thực dụng này, nhiều “tổ ấm” đang như thế nào? Rất nhiều ô cửa thường chỉ sáng đèn sau 7, 8 giờ tối và cũng rất nhanh, căn nhà lại chìm vào giấc ngủ vì những chủ nhân đã quá mệt mỏi với những công việc trong ngày, rồi như một lập trình, bố mẹ lại bước ra khỏi nhà khi con cái chưa thức dậy vào sáng sớm hôm sau.

Những bữa cơm sum họp gia đình được xem là không gian để hâm nóng tình cảm giữa các thành viên, thế nhưng điều đó đang ngày trở nên ít hơn hoặc diễn ra nhanh hơn. “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là chủ đề nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam và hy vọng khuyến nghị ấy sẽ được các gia đình thực hiện như một biện pháp để đắp bồi hạnh phúc. Thế nhưng, có cảm giác gần 10 năm sau, khuyến nghị ấy không còn được nhiều người để ý đến nữa. Nhiều người đang trở về với “tổ ấm” của mình bằng bước chân cơ học hơn là sự giục giã từ ánh mắt chờ đợi của những đứa con trong bữa cơm sum họp cuối ngày.

Một khảo sát gần đây cho thấy ở một số đô thị cứ 3 cặp vợ chồng kết hôn thì có tới 1 cặp rạn nứt. Sống độc thân hay chấp nhận làm mẹ đơn thân đang được nhiều phụ nữ lựa chọn, bởi họ cho rằng như thế sẽ không bị rơi vào bi kịch gia đình, chí ít là không bị lệ thuộc vào những mối quan hệ phức tạp với người thân bên chồng.

Xây dựng gia đình hạnh phúc có rất nhiều tiêu chí, không hẳn chỉ là kiếm được nhiều tiền có cuộc sống vật chất tốt mới là hạnh phúc. Hơn thế, phải là sự yêu thương, tôn trọng, từng thành viên phải có ý thức cùng nhau xây dựng mái ấm bằng những việc làm tích cực trong không gian chung, vì mục tiêu chung.

Những tấm băng rôn tuyên truyền cho Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) xuất hiện nhiều trên đường phố và ai cũng có thể tiếp nhận dễ dàng. Nhưng điều quan trọng là chúng ta tiếp nhận thông điệp từ tấm băng rôn ấy bằng tâm thế nào? Xin đừng nhìn những băng rôn trên đường phố bằng cái liếc mắt và xem nó như vật trang trí hay là việc cơ quan chức năng phải tuyên truyền. Thay vào đó, hãy ngẫm nghĩ, hành động để thông điệp từ chiếc băng rôn ấy phát huy được giá trị trong cuộc sống mới là điều cần. Một quốc gia thịnh vượng phải bắt đầu từ những gia đình hạnh phúc. Chắc chắn rồi. Khi chúng ta nhận thức được đầy đủ về điều đó, thì tự thân sẽ biết phải hành động như thế nào.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/quoc-gia-thinh-vuong-phai-bat-dau-tu-nhung-gia-dinh-hanh-phuc-31611.htm