Quốc gia từ bỏ chính sách chỉ dạy bằng tiếng Anh giờ ra sao?

NIGERIA - Năm 2022, quốc gia này từ bỏ chính sách giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, chuyển sang sử dụng ngôn ngữ địa phương trong trường tiểu học nhằm bảo tồn di sản ngôn ngữ và chuẩn bị hành trang bản sắc cho học sinh trong môi trường toàn cầu.

Ngày 1/12/2022, Nigeria đã thực hiện một bước chuyển mình quan trọng trong hệ thống giáo dục với việc giới thiệu chính sách ngôn ngữ quốc gia mới, theo tờ Al Jazeera.

Do Bộ trưởng Giáo dục lúc bấy giờ Adamu Adamu công bố và được Hội đồng Chấp hành Liên bang (FEC) phê duyệt, chính sách này đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ về cách sử dụng ngôn ngữ trong các trường học tại quốc gia châu Phi.

Với việc các ngôn ngữ địa phương sẽ trở thành phương tiện giảng dạy chính trong giáo dục tiểu học thay vì tiếng Anh như trong hơn 6 thập kỷ qua, Nigeria đang định hình lại cách tiếp cận ngôn ngữ và giáo dục của mình.

Di sản từ lịch sử

Trình độ tiếng Anh của người dân Nigeria nhìn chung khá cao, đặc biệt là ở các khu vực thành thị và trong nhóm dân số có trình độ học vấn. Theo Chỉ số năng lực tiếng Anh EF năm 2023 (EF EPI), Nigeria được xếp hạng 27 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao hơn cả Pháp, Tây Ban Nha, Ý hay nhiều nước châu Âu khác và được đánh giá "mức thông thạo cao".

Trong thời kỳ cai trị của thực dân Anh (từ cuối thế kỷ 19 cho đến khi Nigeria giành được độc lập vào năm 1960), tiếng Anh được xác định là ngôn ngữ chính thức tại Nigeria. Người Anh đã đưa tiếng Anh vào làm ngôn ngữ hành chính, quản lý, giáo dục và luật pháp.

Việc áp đặt tiếng Anh này đã giúp tạo ra một ngôn ngữ thống nhất để giao tiếp giữa các nhóm dân tộc khác nhau tại Nigeria.

Sự thông thạo tiếng Anh của người dân Nigeria được đánh giá ở mức cao.

Sự thông thạo tiếng Anh của người dân Nigeria được đánh giá ở mức cao.

Chính quyền thuộc địa đã thiết lập một hệ thống giáo dục trong đó tiếng Anh là phương tiện giảng dạy.

Các trường học do chính quyền Anh hoặc các nhà truyền giáo điều hành sử dụng tiếng Anh để giảng dạy các môn học và thực hiện công tác hành chính. Di sản này vẫn tồn tại sau khi Nigeria giành độc lập, hệ thống giáo dục quốc gia châu Phi vẫn tiếp tục sử dụng tiếng Anh.

Chính sách quốc gia về giáo dục (NPE) lần đầu tiên được thông qua vào năm 1977, chính thức hóa vai trò của tiếng Anh như là phương tiện giảng dạy trong các trường học ở Nigeria. Chính sách này bắt buộc sử dụng tiếng Anh từ cấp tiểu học đến giáo dục đại học, thiết lập tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy cho tất cả các môn học, với các ngôn ngữ địa phương được giảng dạy như các môn học riêng biệt.

Chính sách này phản ánh vai trò trung tâm của tiếng Anh trong việc duy trì sự hòa hợp quốc gia và nâng cao hiệu quả hành chính.

Dân số của Nigeria đạt hơn 218 triệu người vào năm 2022 với hơn 250 nhóm dân tộc. Việc chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong giáo dục là một quyết định chiến lược nhằm thống nhất các nhóm dân tộc khác nhau của đất nước bởi mỗi nhóm có ngôn ngữ và phương ngữ riêng.

Chính sách cũng trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để học tập và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này có sự khác biệt giữa các khu vực do sự chênh lệch về mức độ tiếp cận tài nguyên giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Bước chuyển mạnh mẽ

Chính sách Ngôn ngữ Quốc gia mới (new NLP) ban hành năm 2022 đã tạo những thay đổi lớn trong việc dạy-học tiếng Anh tại quốc gia Tây Phi. Chính sách quy định rằng từ khi bắt đầu giáo dục tiểu học, việc giảng dạy phải được thực hiện bằng các ngôn ngữ địa phương được nói trong cộng đồng của học sinh.

Với khoảng 625 ngôn ngữ được sử dụng trên toàn Nigeria, chính sách hướng đến việc tích hợp các ngôn ngữ này vào hệ thống giáo dục, đặc biệt trong 6 năm đầu của giáo dục tiểu học.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nigeria lúc bấy giờ Adamu Adamu cho biết mục tiêu của chính sách mới là "thúc đẩy, tăng cường việc phát triển và sử dụng tất cả các ngôn ngữ của Nigeria".

Sau thời gian 6 năm này, tiếng Anh sẽ được giới thiệu song song với ngôn ngữ địa phương ở cấp trung học cơ sở. Sự chuyển giao chiến lược này nhằm đảm bảo rằng trong khi các ngôn ngữ địa phương được bảo tồn và thúc đẩy thì học sinh cũng phát triển trình độ tiếng Anh.

Việc giới thiệu các ngôn ngữ địa phương vào giáo dục tiểu học đem lại một số tác động quan trọng. Chính sách nhằm vực dậy sự sống và bảo tồn di sản ngôn ngữ phong phú của Nigeria. Thông qua việc tích hợp các ngôn ngữ địa phương vào giáo dục, chính sách giúp đảm bảo rằng những ngôn ngữ này tiếp tục phát triển và vẫn là một của văn hóa Nigeria.

Đồng thời, giáo dục sớm bằng ngôn ngữ mẹ đẻ cho học sinh có thể dẫn đến sự tương tác và hiểu biết tốt hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng học sinh học hiệu quả hơn khi được giảng dạy bằng ngôn ngữ quen thuộc, từ đó có thể dẫn đến kết quả học tập tốt hơn.

Việc giới thiệu dần tiếng Anh để đảm bảo rằng học sinh sẽ được chuẩn bị cho yêu cầu của giáo dục cao hơn và thị trường việc làm. Cách tiếp cận này giúp tiếp tục duy trì sự cạnh tranh của Nigeria trong một thế giới kết nối và cạnh tranh ngày càng tăng.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quoc-gia-tu-bo-chinh-sach-chi-day-bang-tieng-anh-gio-ra-sao-2324062.html