Thiếu giáo viên và kịch bản 'gỡ khó' cho năm học

Năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh sự lo toan về cơ sở vật chất, trang, thiết bị, chương trình, kế hoạch giảng dạy và nhiều điều kiện cần thiết khác, ngành GD&ĐT tiếp tục phải đối mặt với những nỗi lo, khó khăn, thách thức từ tình trạng thiếu giáo viên (GV) so với nhu cầu, nhất là trong bối cảnh năm học 2024-2025 áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình 2018) từ lớp 1 đến lớp 12, năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình 2018. Bởi vậy, các cấp chính quyền, nhà quản lý, ngành GD&ĐT đã nỗ lực, cố gắng với nhiều kịch bản, giải pháp căn cơ để từng bước hóa giải khó khăn, tránh tình trạng phải 'ăn đong', 'lấy ngắn nuôi dài' hay giải pháp tình thế, đảm bảo phục vụ tốt cho năm học mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Thu Cúc 1, huyện Tân Sơn đón học sinh vào năm học mới 2024-2025.

Giáo viên Trường Tiểu học Thu Cúc 1, huyện Tân Sơn đón học sinh vào năm học mới 2024-2025.

Nỗi lo lực lượng

Có thể thấy, bước vào năm học mới, câu chuyện thiếu GV vẫn là mối quan tâm không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà cả cộng đồng bởi chăm lo xây dựng đội ngũ là yếu tố căn cốt để đảm bảo chất lượng giáo dục. Theo đánh giá bước đầu, kết thúc năm học 2023-2024, hầu hết các địa phương vẫn thiếu GV cục bộ, nhất là GV dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn trong cùng một cấp học, giữa vùng miền có điều kiện kinh tế khác nhau; chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế, tỷ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn mức quy định của Bộ GD&ĐT. Tình trạng này đôi khi chưa được khắc phục kịp thời dẫn đến khó khăn cho thực hiện chương trình, kế hoạch năm học.

Tính đến tháng 4 năm 2024, cả nước còn thiếu 113.491 GV các cấp. Đơn cử như tình trạng thiếu GV ở một số địa phương mà báo chí từng phản ánh: Ở thời điểm tháng 7 năm nay, ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai còn thiếu 627 GV so với biên chế được giao; đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên còn thiếu hơn 2.000 GV so với định biên. Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai thiếu 4.259 cán bộ, GV, nhân viên; ngành GD&ĐT Quảng Nam thiếu 2.387 GV; ngành GD&ĐT Quảng Ngãi thiếu khoảng 900 GV; ngành GD&ĐT Phú Thọ thiếu khoảng 2.160 GV (mầm non thiếu 1.225, tiểu học thiếu 610, THCS thiếu 230, THPT thiếu 95 GV); với hơn 100.000 học sinh mầm non, phổ thông đang học tập, chỉ riêng quận Hà Đông (Hà Nội) cũng thiếu khoảng 800 GV...

Giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP Việt Trì) trao đổi kinh nghiệm, biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy trong năm học mới.

Giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP Việt Trì) trao đổi kinh nghiệm, biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy trong năm học mới.

Trong “cái khó” ló... “cái hay”!

Giữa bối cảnh còn thiếu đội ngũ nhà giáo so với nhu cầu nhưng để đảm bảo kết quả tốt cho năm học 2024-2025, từ Trung ương đến các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, tìm lời giải cho bài toán thiếu GV. Với phương châm “lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, thầy, cô giáo là động lực, nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng” Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV cho năm học mới. Ngay từ năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung hơn 27.800 GV, trên cơ sở đó, các địa phương đã tuyển dụng được trên 19.400 GV. Bộ cũng trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn theo Chương trình 2018.

Về phía các địa phương, để khắc phục tình trạng thiếu GV, tỉnh Lào Cai đã quyết liệt thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp; giảm lớp, học sinh điểm trường lẻ, tăng học sinh ở trường chính, tăng số học sinh/lớp; thực hiện trường giúp trường, phòng giúp phòng; biệt phái, tăng cường GV. Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên chọn cử GV tham gia đào tạo nâng chuẩn, văn bằng 2, liên thông để khắc phục bài toán thiếu GV. TP Đà Nẵng bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng thêm GV, đảm bảo số lượng theo yêu cầu triển khai Chương trình 2018, SGK mới. Cùng với tuyển dụng 1.244 GV, kiến nghị cấp có thẩm quyền giao bổ sung số GV còn thiếu, ngành GD&ĐT tỉnh Gia Lai hợp đồng thêm GV, bố trí thầy, cô dạy liên trường, liên cấp nhằm đảm bảo đủ GV cho năm học mới...

Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn quản trị hoạt động dạy học và giáo dục theo Chương trình 2018 cho cán bộ, GV các nhà trường.

Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn quản trị hoạt động dạy học và giáo dục theo Chương trình 2018 cho cán bộ, GV các nhà trường.

Linh hoạt, chủ động của ngành GD&ĐT Đất Tổ

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Phú Thọ cũng không nằm ngoài “vòng quay” thiếu GV. Tuy nhiên, để đảm bảo chương trình, kế hoạch cho năm học mới, ngành GD&ĐT Đất Tổ đã sớm tích cực, chủ động đề ra các giải pháp, linh hoạt giải bài toán thiếu GV. Trò chuyện với chúng tôi, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Phùng Quốc Lập nêu dẫn chứng: Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, lựa chọn tổ hợp môn học hợp lý để sử dụng hiệu quả số GV hiện có; tổng hợp, xác định nhu cầu, cân đối thừa - thiếu GV theo từng môn học, trường học, cấp học; thực hiện điều chuyển, tăng cường GV từ nơi thừa đến nơi thiếu.

Cùng với đó, bố trí GV dạy liên trường, liên cụm, liên cấp trên cùng địa bàn huyện, thành, thị (nhất là đối với các bộ môn mới như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật...), đồng thời chỉ đạo các trường chủ động thực hiện hợp đồng số lượng GV thiếu cần bổ sung (trong đó, xuất phát từ tình hình nguồn GV hợp đồng hiện nay hạn chế nên động viên những GV đã về hưu vẫn đảm bảo sức khỏe, có trình độ chuyên môn tốt tiếp tục tham gia hợp đồng giảng dạy); phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện, thành, thị tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh việc tuyển dụng GV đã được giao biên chế năm 2024; tham mưu cho tỉnh có các cơ chế, chính sách ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV, nhất là GV mầm non, phổ thông...

Dưới góc nhìn, kinh nghiệm của nhà quản lý giáo dục lâu năm, Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập cho rằng, để thu hút nguồn nhân lực, “giữ chân” GV cần tích cực đề xuất, tham mưu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: Ưu tiên tuyển dụng, bố trí, quản lý đội ngũ GV; thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương; có chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo “sức hút” đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo GV, tạo động lực cho GV yên tâm công tác...

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thieu-giao-vien-va-kich-ban-go-kho-cho-nam-hoc-219482.htm