Quốc hội Anh ngừng hoạt động hơn một tháng giữa bế tắc Brexit

Cuộc đấu giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Quốc hội nước này về kế hoạch đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, dường như đã lên tới đỉnh điểm quyết liệt sau khi Quốc hội Anh tiếp tục cản trở khả năng xảy ra Brexit không thỏa thuận, trong khi Thủ tướng Boris Johnson đáp trả bằng việc yêu cầu Quốc hội Anh tạm ngừng hoạt động tới hơn một tháng.

CNN cho hay, tại cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Anh diễn ra vào sáng 10-9, đề xuất tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15-10 tới của Thủ tướng Boris Johnson chỉ nhận được 293 phiếu ủng hộ, tức là chưa đủ 2/3 số phiếu ủng hộ tại Hạ viện gồm 650 ghế. Các đảng đối lập nói rằng họ sẽ bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng đối với kế hoạch này, cho đến khi dự luật buộc ông Boris Johnson tìm cách gia hạn Brexit được thực thi.

Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu nói trên được tiến hành ngay trước khi Quốc hội Anh bắt đầu tạm ngừng hoạt động tới ngày 14-10-2019 theo yêu cầu của Thủ tướng Boris Johnson. Ông Boris Johnson lý giải, việc làm này là cần thiết để chính phủ lên lịch cho chương trình nghị sự trong nước. Trong khi đó, một số nghị sĩ cho rằng việc Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu Quốc hội ngừng hoạt động trong hơn một tháng là vi hiến, đe dọa nền dân chủ quốc gia và thực chất đây là kế hoạch nhằm không để Quốc hội Anh cản trở tiến trình Brexit diễn ra theo đúng kế hoạch.

 Các thành viên Quốc hội Anh trước một cuộc bỏ phiếu về vấn đề Brexit vào tháng 3-2019. Ảnh: Business Insider.

Các thành viên Quốc hội Anh trước một cuộc bỏ phiếu về vấn đề Brexit vào tháng 3-2019. Ảnh: Business Insider.

Trong khi đó, ngày 9-9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải đề nghị trì hoãn Brexit thêm 3 tháng nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận "chia tay" vào ngày 31-10 tới. Nói cách khác, luật này nhằm ngăn chặn kịch bản “Brexit không thỏa thuận” bằng cách buộc Thủ tướng Boris Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh này thêm 3 tháng, tức là đến ngày 31-1-2020, nếu sắp tới Quốc hội Anh hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận.

Tuần trước, dự luật này cũng đã được Quốc hội Anh thông qua và dẫn tới việc Thủ tướng Boris Johnson khai trừ 21 nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền sau khi những người này không bỏ phiếu ủng hộ Chính phủ Anh trong vấn đề Brexit. Trong số những thành viên bị khai trừ có cả cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và nghị sĩ Nicholas Soames, cháu của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Trước những động thái nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra “Brexit cứng” (Brexit không thỏa thuận) của Quốc hội Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10-9 tuyên bố ông sẽ không yêu cầu gia hạn thời điểm Brexit và khẳng định chính phủ sẽ tăng cường sức ép để đàm phán một thỏa thuận Brexit với EU, nhưng đồng thời vẫn chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Ông Boris Johnson nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ không trì hoãn Brexit thêm bất kỳ ngày nào, dù có bị Quốc hội dùng mọi công cụ để “trói buộc đôi tay”. Hơn thế nữa, ông Johnson còn khẳng định sẽ tới Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17 và 18-10 tới và quyết đem về một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia.

Thủ tướng Boris Johnson cũng từng tuyên bố rằng, ông "thà chết” còn hơn là đề nghị với EU về một thời hạn Brexit mới.

Giới phân tích cho rằng để thoát khỏi thế bế tắc, nếu EU và Anh không thể đạt được một thỏa thuận thì xứ sở sương mù chỉ còn cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu hay trưng cầu ý dân mới về vấn đề Brexit. Tuy vậy, liệu Thủ tướng Anh có thể triệu tập thêm một cuộc bỏ phiếu mới hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Trong trường hợp không có một thỏa thuận nào được đưa ra, luật mới buộc Chính phủ Anh phải đề nghị một thời hạn Brexit mới vào ngày 31-1-2020, đồng nghĩa với kế hoạch đưa Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu sẽ bị trì hoãn tới 3 lần.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/quoc-hoi-anh-ngung-hoat-dong-hon-mot-thang-giua-be-tac-brexit-590791