Ý đồ của Ukraine khi tấn công tầm xa đốt cháy hàng tấn đạn của Nga
Trong nhiều tháng qua, giao tranh đã dần tiến sâu vào lãnh thổ Nga. Vào tháng 9/2024, Ukraine đã nhắm vào các kho đạn ở thị trấn Tikhoretsk và Toropets của Nga bằng UAV, đốt cháy hơn 30.000 tấn đạn dược, được cho là bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Giới quan sát cho rằng, các cuộc tấn công của Ukraine đã phá hủy vũ khí và tuyến tiếp tế của Điện Kremlin ở phía sau, làm chững lại các hoạt động của Nga ở tiền tuyến. Michael Bohnert, một chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu RAND cho biết có nhiều mục tiêu khác nhau mà Kiev có thể nhắm tới, chẳng hạn như các kho đạn dược, được phân bổ trên khắp nước Nga. Ông cũng liệt kê ra mạng lưới đường sắt và các cơ sở hạ tầng cảng biển cùng nhiều cơ sở lưỡng dụng khác có thể được coi là các mục tiêu dài hạn.
"Vì vậy, thay vì chỉ tấn công vào kho vũ khí, việc tấn công các điểm tiếp cận nó cũng có giá trị trong dài hạn", ông Bohnert nói.
Đột phá của Ukraine
Trong 2 năm qua, sản xuất UAV ở Ukraine đã tăng gấp hàng trăm lần. Khi dự án Đội quân UAV được nhà nước khởi động vào tháng 7/2022, 7 nhà sản xuất của Ukraine đã có thể cung cấp UAV cho nhà nước. Tính đến tháng 8/2024, số lượng nhà máy sản xuất đã tăng lên 87.
Vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết nước này có kế hoạch sản xuất vài triệu UAV vào năm 2025 để "ngăn chặn Nga giành được lợi thế trong lĩnh vực này". Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố ngày 1/10 rằng Ukraine có thể sản xuất 4 triệu UAV mỗi năm.
Một số cuộc tấn công thành công nhất của Ukraine vào Nga được thực hiện bằng cách sử dụng cái gọi là "chiến thuật bầy đàn UAV" khi lực lượng Ukraine phóng hàng chục UAV cùng lúc, hiện có thể bay hơn 1.500km để làm quá tải hệ thống phòng không của Nga.
Trong khi đó, theo ông Bohnert: "Với số lượng hệ thống phòng không được bố trí ở tiền tuyến để bảo vệ quân đội, Nga đơn giản là không có đủ hệ thống để bảo vệ tất cả các địa điểm có giá trị của mình. Vì vậy, nếu muốn bảo vệ bất kỳ kho vũ khí nào tốt hơn, họ sẽ phải lấy các hệ thống từ tiền tuyến hoặc các cơ sở hạ tầng quan trọng khác".
“Với số lượng hệ thống phòng không ở tiền tuyến bảo vệ quân đội, Nga đơn giản là không có đủ hệ thống để bao quát tất cả địa điểm có giá trị của mình".
Chuyên gia này cho rằng, Nga phải suy nghĩ lại về việc bố trí và sản xuất các hệ thống phòng không. Các hệ thống của Moscow hiện chủ yếu được thiết kế để chống lại các mục tiêu trên không ở độ cao lớn, chẳng hạn như chiến đấu cơ nhưng không được thiết kế để chống lại tên lửa hành trình hoặc UAV cơ động ở độ cao thấp.
Một vấn đề khác mà Nga chưa giải quyết được là một khu vực lãnh thổ rộng lớn của họ hiện đang cần các hệ thống phòng không bao quát và bảo vệ.
"Nga cần gấp 3 lần số lượng hệ thống phòng không hiện tại. Chúng ta đang nói đến hàng nghìn hệ thống", ông Bohnert cho biết, đồng thời nói rằng việc cải thiện hệ thống phòng không có thể mất nhiều thời gian.
Chiến thuật câu giờ
Các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở ở thị trấn Tikhoretsk và Toropets của Nga đã gây ra "tổn thất đạn dược lớn nhất" cho Moscow kể từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho hay trong báo cáo tình báo.
Theo xác nhận của Bộ Tổng thống tham mưu Ukraine, một trong những cuộc tấn công mới nhất của nước này ngày 29/9 đã nhắm vào một kho vũ khí khác ở làng Kotluban của Nga. Tuy nhiên, theo hình ảnh vệ tinh, cuộc tấn công không trực tiếp đánh trúng kho vũ khí.
Mặc dù không thấy thiệt hại rõ trên hình ảnh vệ tinh nhưng cuộc tấn công vẫn có thể khiến cơ sở này dễ bị tổn thương hơn và ảnh hưởng đến hoạt động hậu cần của Moscow, ông Bohnert nhận định.
"Nếu bạn tiến hành 10 cuộc tấn công bằng UAV và sau đó cơ sở này không thể dỡ hoặc lưu trữ đạn dược mới trong 5, 6 hoặc 8 tiếng thì đó là tác động lớn bởi điều này đồng nghĩa với việc cơ sở không thể hoạt động trong 1 ngày. Nó có thể không gây ra thiệt hại nhưng vẫn sẽ tác động đến chiến trường vì những quả đạn đó không đến được tiền tuyến", chuyên gia này nói.
Đầu tháng 10, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng các lực lượng của Nga vẫn có lợi thế về số lượng đạn pháo được sử dụng ở tiền tuyến. Tuy nhiên, theo ông, tỷ lệ này đã giảm gần gấp 3 lần kể từ đầu năm, từ tỷ lệ 1:8 xuống còn 1:3.
Theo học giả Federico Borsari tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, Nga đã điều chỉnh tuyến tiếp tế ở cấp độ chiến thuật và chiến dịch sau khi Ukraine nhắm vào các địa điểm quân sự của nước này bằng tên lửa HIMARS cuối năm 2022.
"Tuy nhiên, các kho đạn dược lớn có giá trị về mặt chiến lược đã không bị di chuyển vì chúng không được coi là bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là khi Ukraine thiếu khả năng tấn công chính xác tầm xa công nghệ cao và lệnh cấm sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga", ông Borsari đánh giá.
Chuyên gia này lưu ý rằng các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các kho đạn, nơi lưu trữ một lượng lớn thiết bị và cần thời gian cùng nguồn lực lớn để di dời, chắc chắn sẽ tác động đến các hoạt động của Nga, đặc biệt nếu đó là đạn pháo với mức độ tiêu hao lớn và các loại tên lửa đắt đỏ.
"Điều này có thể tạo ra vấn đề tiếp tế cho các đơn vị của Nga được giao nhiệm vụ tấn công sâu và các đơn vị pháo binh tại các khu vực trên tiền tuyến dựa vào những kho vũ khí này. Do đó, nhịp độ các hoạt động tấn công của Nga có thể chậm lại ở các khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời làm giảm hỏa lực vào quân đội Ukraine", chuyên gia Borsari bình luận.
Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục tấn công ở Donetsk và cố gắng phản công ở tỉnh Kursk, nơi quân đội Ukraine kiểm soát một số phần lãnh thổ. Ngày 1/10, Nga đã chiếm được Ugledar - một thành trì ở Donetsk mà Ukraine từng thành công bảo vệ hơn 2 năm qua.
Theo chuyên gia Bohnert, các cuộc tấn công của Ukraine sẽ không khiến Nga dừng lại các cuộc tấn công nhưng sẽ làm giảm hiệu quả của chúng.