Quốc hội Argentina: 3 trụ cột giá trị của chuyển đổi số
Trong quá trình theo đuổi một nền quản trị hiệu quả hơn, Quốc hội Argentina hướng tới 3 trụ cột giá trị là kim chỉ nam cho quá trình chuyển đổi số, bao gồm: đổi mới, minh bạch và tăng cường sự tham gia của công dân.
Kể từ năm 2019, Quốc hội Argentina đã khởi xướng quá trình đổi mới nhằm hướng tới một Quốc hội của tương lai. Quá trình chuyển đổi số càng được đẩy nhanh do một sự kiện bất ngờ: đại dịch Covid-19 năm 2020. Trước những điều kiện bất lợi của hoàn cảnh, Quốc hội Argentina đã phải thích nghi, sáng tạo và đưa ra các giải pháp bằng cách ứng dụng các công cụ công nghệ có sẵn để duy trì hoạt động lập pháp - một trong những nền tảng của nền Cộng hòa.
Kể từ đó đến nay, Quốc hội Argentina đã tập trung mạnh mẽ để tối ưu hóa quy trình và cải thiện hoạt động quản lý bằng cách ứng dụng công cụ kỹ thuật số. Quá trình này đã giúp Quốc hội ra quyết định dễ dàng hơn, xây dựng chính sách công thuận lợi, hiệu quả hơn. Trong quá trình theo đuổi một nền quản trị hiệu quả hơn, Quốc hội Argentina hướng tới 3 trụ cột giá trị chính - là kim chỉ nam cho mọi tiến bộ mà Tổng cục Đổi mới, Kế hoạch và Công nghệ mới của quốc gia đang thúc đẩy: đó là đổi mới (hiện đại hóa và số hóa các quy trình), minh bạch (công khai hóa các hoạt động của Quốc hội thông qua các nền tảng số) và sự tham gia của công dân vào quá trình ra quyết sách, rút ngắn khoảng cách Quốc hội và cử tri thông qua các nền tảng trực tuyến.
Trụ cột đổi mới
Ở trụ cột đổi mới, một trong những sự kiện nổi bật nhất là việc Quốc hội thành lập phòng thí nghiệm công nghệ mới (DipLab). Đây là nơi có thể thử nghiệm các phương pháp giải quyết vấn đề; khuyến khích nghiên cứu và thúc đẩy đào tạo. Tại DipLab, Quốc hội không chỉ thử nghiệm các công nghệ đột phá có thể áp dụng mà còn xem xét tác động của chúng đối với xã hội, nền kinh tế và chính trị nói chung, và lĩnh vực lập pháp nói riêng. DipLab là nơi hình thành nên Nghị viện thông minh, nơi trí tuệ nhân tạo được đưa vào thử nghiệm tại Hạ viện.
Một cột mốc quan trọng khác là phiên họp từ xa đầu tiên trong lịch sử Argentina. Đại dịch Covid-19 đã buộc Argentina phải sử dụng một hệ thống cho phép các nghị sĩ có thể làm việc từ xa và họp trực tuyến. Trên cơ sở hiệu quả đạt được, họ tiếp tục phát triển một hệ thống cho phép các thành viên Quốc hội bỏ phiếu thông qua các dự luật trực tuyến. Trong thời gian này, Quốc hội đã tiến hành 28 phiên họp ảo, 270 giờ thảo luận và thông qua 96 dự thảo luật.
Sau khi các quy định về giãn cách xã hội được dỡ bỏ, hệ thống bỏ phiếu trực tuyến đã được duy trì và nâng cấp, các nghị sĩ có thể đăng nhập bằng dấu vân tay để bỏ phiếu.
Trong bối cảnh đó, quá trình triển khai chữ ký số, một quy trình đã được khởi động từ trước đó cũng thu được nhiều thành công. Tới nay, tất cả các nghị sĩ và cơ quan Hạ viện đều sử dụng kỹ thuật này.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Argentina đã tiến hành quá trình số hóa hơn 15 triệu tài liệu, bao gồm hồ sơ, biên bản họp Quốc hội từ giai đoạn 1854 đến 2019. 585.000 hồ sơ nhân viên của Quốc hội đã và đang được số hóa và lưu trữ trong 12.000 hộp lưu trữ. Điều này giúp tiết kiệm 70 tấn giấy sau khi chúng được chuyển đổi thành tệp kỹ thuật số.
Trụ cột minh bạch
Quốc hội Argentina cho rằng, để minh bạch hóa, Quốc hội phải cung cấp dữ liệu mở có sẵn và công khai để những người quan tâm có thể truy cập vào tài nguyên. Về khía cạnh này, biên bản các cuộc họp và bản ghi âm các cuộc họp của Hạ viện, các ủy ban luôn có sẵn trực tuyến để công dân dễ dàng truy cập. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đưa vào sử dụng một nền tảng, tập hợp hơn 700 bài phát biểu, thuyết trình của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trình bày tại các cuộc thảo luận bàn về các dự án luật.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cũng phối hợp với các trường đại học công lập như Đại học Quốc gia Buenos Aires (UBA), Đại học Quốc gia San Martín (UNSAM), và mời họ sử dụng dữ liệu do Viện thu thập và phân tích cùng nghiên cứu và tìm cách cải thiện hoạt động của Quốc hội; đặc biệt là trong xây dựng các chính sách công.
Quốc hội cũng đạt được nhiều tiến bộ về truyền thông thông qua các phương tiện truyền thông tiên tiến. Trên cơ sở hợp tác với Văn phòng Dịch vụ để xác thực tài khoản phương tiện truyền thông xã hội của các nghị sĩ và xác thực kênh truyền thông chính thức an toàn cho người sử dụng trước các tài khoản giả mạo thông qua nền tảng "Diputados 2.0".
Sự tham gia của công dân
Sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng về mặt quản lý cũng như đối với nền dân chủ. Đây là lý do tại sao Quốc hội Argentina tập trung cải thiện Cổng thông tin lập pháp mở để thúc đẩy công dân truy cập, tương tác với nghị sĩ và tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật. Điều này nhằm huy động nguồn lực, trí tuệ trong cộng đồng, giúp đưa đến những dự luật và chính sách công toàn diện, bao trùm, sát với cuộc sống và nhu cầu của công dân. Từ đó, kiến tạo một Quốc hội của tương lai cởi mở hơn, minh bạch hơn và bao trùm hơn.
Dự án Quốc hội thông minh
Thế giới liên tục thay đổi, đòi hỏi các thể chế công phải nhanh chóng thích ứng với nhu cầu mới nổi và triển khai các cách thức quản lý do công nghệ mới cung cấp. Trong bối cảnh này, Hạ viện Argentina cũng đang xem xét đưa Trí tuệ nhân tạo (AI) vào các khâu trong hoạt động của Hạ viện. Cùng với một nhóm các nhà khoa học từ Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (CONICET), Argentina đang thí điểm "Quốc hội thông minh", một ứng dụng AI hoạt động với thuật toán LDA, được thiết kế và sử dụng để phân tích tất cả các phát biểu của các nghị sĩ kể từ năm 2005, xác định sự xuất hiện đồng thời của các từ khóa và trích xuất ra thành các chủ đề. Đây trở thành nguồn tài liệu quan trọng khi cần tra cứu hoặc xem xét một vấn đề liên quan. Hiện tại, kết quả tổng hợp và phân tích đã có sẵn và có thể truy cập miễn phí trên trang web của Quốc hội.