Tôi xem Xuân Son ghi bàn trên TV OLED đắt nhất Việt Nam
Mẫu TV OLED M4 của LG vẫn nằm ở một phân cấp riêng, giá cao hơn hẳn các đối thủ, nhưng mang lại trải nghiệm khác biệt với hộp kết nối không dây.
Smartphone là trung tâm trong hệ sinh thái thiết bị cá nhân. Sự phát triển trong những năm qua biến nó trở thành sản phẩm toàn năng, có thể liên lạc, làm việc, lưu giữ kỷ niệm hay giải trí. Tuy nhiên, xét theo từng hạng mục, điện thoại không phải lựa chọn tốt nhất.
Sau khi lập gia đình, tôi nhận ra để giải trí, smartphone chưa thể thay thế TV. Ngoài mục đích xem nội dung, nó còn là đồ công nghệ trung tâm, có khả năng liên kết các thành viên, tạo lập câu chuyện và hỗ trợ giáo dục con cái. Đây là những nhu cầu khi còn độc thân tôi chưa từng có.
Ngoài hãng lớn, nhiều người tư vấn nên chọn các hãng mới từ Trung Quốc, có giá rẻ. Điểm trừ ở đây là chất lượng, độ bền. Đổi lại, vòng đời ngắn, đầu tư thấp khiến việc sản phẩm có nhanh hỏng cũng không thành vấn đề.
Tuy nhiên, tôi cho rằng TV không thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Ưu tiên khi chọn là bền bỉ và đến từ thương hiệu lớn để đảm bảo vấn đề hậu mãi. Chất lượng tấm nền, công nghệ cũng được cân nhắc. Kích thước mong muốn ban đầu là khoảng 70 inch, nhưng tôi vẫn sẵn lòng với các lựa chọn lớn hơn để nâng cấp trải nghiệm.
Mẫu OLED đắt nhất có gì?
Là người yêu thích công nghệ, tiêu chuẩn đầu tiên được vạch ra là OLED. Tôi được trải nghiệm đủ nhiều để nhận ra công nghệ này có thể nâng cấp khả năng hiển thị ra sao. Với yêu cầu sử dụng lâu dài, không lỗi thời, chiếc TV OLED cao cấp nhất sẽ giúp đảm bảo điều này.
Tại Việt Nam, LG, Sony, Samsung và Casper đang bán sản phẩm dùng tấm nền nói trên.Trong đó, LG là thương hiệu có thời gian phát triển, kinh doanh OLED lâu nhất, tự làm tấm nền. Do vậy, OLED Evo AI M4 83 inch là model được cân nhắc lựa chọn.
Là một khoản đầu tư lớn, tôi trực tiếp đến showroom để xem thử chiếc M4 cùng các model ngang tầm. Sản phẩm LG vẫn cho chất lượng hình ảnh nịnh mắt hơn cùng độ sáng cao. Ở phân khúc này, khó tìm ra điểm khác biệt giữa các dòng TV cao cấp dùng dùng tấm nền OLED. Sở thích, thói quen xem cùng công cụ hỗ trợ đóng góp nhiều trước khi ra quyết định.
Giữa các model nhà sản xuất Hàn Quốc cung cấp, tôi còn phân vân với cả mẫu G4 có chung kích thước, lại rẻ hơn. Về thông số, hai chiếc TV có vẻ giống nhau. Tuy nhiên, M4 mỏng hơn và được hỗ trợ tính năng kết nối không dây. Giải pháp này vô tình phù hợp với nhu cầu của tôi khi căn nhà từ đầu không được thiết kế để gắn TV. Do vậy, việc tinh chỉnh nội thất để làm việc cùng M4 dễ dàng hơn.
Hộp điều khiển Zero Connect làm liên tưởng đến giải pháp One Connect của Samsung. Ban đầu tôi cũng cho rằng việc đầu tư công nghệ truyền phát tiên tiến như vậy chỉ để giấu dây không cần thiết. Nhưng sau khi sử dụng, hai phương pháp này xử lý những vấn đề khác nhau.
Samsung tạo ra One Connect để người dùng "giấu hộp". Hộp dùng chất liệu nhựa và tối ưu cho tản nhiệt trong ngăn tủ hay sau TV, hạn chế dây kết nối gắn trực tiếp. Trong khi đó, LG thiết kế Zero Connect Box để trưng bày trên bàn. Sản phẩm có ngoại hình đẹp mắt, giàu công nghệ. Từ khi có M4, chiếc hộp là chi tiết khiến nhiều người bạn của tôi tò mò nhất khi đến thăm nhà.
Về mặt tính năng, hộp tín hiệu của LG linh hoạt hơn khi cần kết nối với thiết bị ngoại vi kiểu máy tính, console hay phụ kiện chơi game đua xe của tôi. Việc bố trí, thiết lập có thể được thực hiện ở trong bán kính 9 m xung quanh M4 mà không phải luồn cúi nối dây như truyền thống.
Không có 8K, không sao
Trong các thông số của TV hiện đại, độ phân giải không còn là tiêu chí quan trọng để phân cấp. Độ phân giải 4K là tiêu chuẩn chung ở TV từ 10-200 triệu đồng. Khác biệt lớn nhất là dòng QN900D, lần đầu đưa chuẩn 8K đến người dùng cuối. Tuy nhiên, nội dung hiện tại chưa khai thác hết độ phân giải này.
MiniLED chuẩn mới với hơn 1.000 vùng làm tối có thể tạo ra tương phản sâu hơn. Nhưng màu sắc, độ sáng, góc nhìn của OLED LG vẫn cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Công ty Hàn Quốc còn bổ sung thêm lớp thấu kính MLA (Micro Lens Array) trên các điểm ảnh. Bộ phận này giúp tăng độ sáng tối đa của màn hình. Đặt cạnh TV LED, OLED cũng không còn thua kém về mặt này.
Ưu điểm khác của M4 so với các đối thủ là chip xử lý. Nhân α11 chịu trách nhiệm nâng độ phân giải hiển thị (up-scale) từ chuẩn thấp hơn lên 4K, bù đắp khung hình, tăng độ mượt. Sau tấm nền, đây là công nghệ quan trọng nhất với TV đời mới bán tại Việt Nam.
Nguyên nhân từ việc đa số nội dung tiếng Việt đều có chất lượng cách xa mức 4K. Ví dụ các chương trình truyền hình trong nước được phát ở độ phân giải tối đa HD. Phim truyện, show giải trí hay nội dung YouTube cũng chỉ dừng ở FullHD. Vài năm qua, các nền tảng streaming trả phí như Netflix, Apple TV+ cung cấp thêm nguồn 4K. Tuy nhiên, để tối ưu đường truyền Internet, các nội dung này cũng thường bị nén, giảm chất lượng.
Đa số TV cao cấp bán ra đều có bộ phận up-scale. Trong đó, chip α11 trên M4 là công cụ nội suy hình ảnh tốt nhất trên các dòng TV cao cấp. Nó có thể nhanh chóng tăng nét cho các chương trình chất lượng thấp dưới HD, lên mức không còn thấy mờ nhòe trên TV lớn. Đặc biệt, các nội dung thể thao tốc độ cao như bóng đá ở ASEAN Cup lần này, ngoài làm nét còn được bổ sung thêm khung hình, xem mượt và đỡ mỏi mắt hơn hẳn.
LG OLED Evo M4 hỗ trợ tần số quét 144 Hz hỗ trợ cả G-Sync và Free Sync cho mục đích chơi game.
M4 vẫn chạy trên nền WebOS độc quyền. Giao diện này có ưu điểm dễ dùng, điều khiển chuột bay của nó vẫn là cách tương tác tốt nhất với TV hiện tại. Tuy nhiên đặt cạnh Samsung, chiếc remote này trông không hiện đại bằng.
Sau nhiều đợt cập nhật, WebOS ngày càng nhiều tính năng và có thể gây rối khi mới làm quen. Một vài chức năng tôi thường dùng là chỉnh màu màn hình theo nội dung đang xem, chia cửa sổ multiview để cùng lúc theo dõi nhiều trận bóng đá cuối tuần.
LG M4 dành cho ai?
Đây là lựa chọn TV OLED tốt nhất có thể tìm thấy tại Việt Nam hiện tại. M4 đáp ứng gần như đầy đủ nhu cầu người dùng cần cho một sản phẩm để giải trí tại gia, sử dụng lâu dài mà không bị lỗi thời. Giải pháp Zero Connect Box đậm tính tương lai, là cách để chủ nhân chiếc TV thể hiện phong cách cá nhân.
Tuy nhiên, sẽ có một số khách hàng gặp vấn đề với chiếc TV vì nhà sản xuất thiết kế nó để gắn tường, không kèm chân đế. Theo thông số của hãng, mẫu TV này nặng tới 40 kg. Như vậy, những phòng khách dùng các vách trang trí, chịu lực kém sẽ khó thi công lắp đặt.
Ngoài ra, giá bán niêm yết 170 triệu đồng, giảm còn khoảng 130 triệu đồng tại một số đơn vị bán lẻ khi trừ quà tặng, vẫn là mức khó tiếp cận với đa số khách hàng. LG G4 cũng là một lựa chọn tương tự, nhưng giá dễ chịu hơn, bù lại người dùng sẽ không có hộp kết nối không dây.
Còn lựa chọn nào khác?
Trước khi chọn sản phẩm của LG, tôi đã phải cân nhắc thêm model A95L từ Sony. Sản phẩm gần như tương đồng về khả năng hiển thị với M4, cùng là tấm nền OLED chất lượng cao, giá rẻ hơn. Tuy nhiên, model nói trên đã mắt từ 2023, chưa được công ty Nhật Bản nâng cấp lên phiên bản mới.
Lựa chọn thay thế Bravia 9 lại dùng công nghệ Mini LED, không đạt hiệu quả hiển thị bằng. Hệ điều hành Android TV tương đối mở, dễ cài đặt thêm ứng dụng, nhưng không tối ưu chức năng, điều khiển như các đối thủ.
Một lựa chọn khác từ Samsung là flagship QN900D, độ phân giải 8K, giá khoảng 200 triệu đồng. Đây là lựa chọn tốt cho người dùng muốn ưu tiên độ phân giải, chuẩn bị cho tương lai xa. Công nghệ Mini LED của sản phẩm nói trên cũng được đánh giá cao nhờ độ bền. Lựa chọn OLED của Samsung là mẫu S95D ở mức giá 90 triệu cho mẫu 77 inch, thấp hơn khá nhiều so với sản phẩm đầu bảng của LG.
Tuy nhiên, TV Samsung hỗ trợ HDR10+ thay vì Doldy Vision, vốn phổ biến với nguồn phát như Netflix. Người dùng có nhu cầu xem thường xuyên trên ứng dụng này nên cân nhắc để tối ưu khoản đầu tư.