Quốc hội bác bỏ đề nghị dùng ngân sách Nhà nước mua lại các trạm BOT đặt sai vị trí

Trước đề nghị dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại một số dự án BOT của Bộ GTVT, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng việc này đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều hoạt động phản đối trạm thu phí trên Quốc lộ 3 để hoàn vốn cho tuyến đường hoàn toàn khác là BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: PV

Thời gian qua đã xảy ra nhiều hoạt động phản đối trạm thu phí trên Quốc lộ 3 để hoàn vốn cho tuyến đường hoàn toàn khác là BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: PV

4 trạm BOT đặt sai vị trí vẫn chưa được xử lý

Theo báo cáo của Bộ GTVT về việc xử lý các trạm thu phí BOT bất hợp lý, gây bức xúc dư luận, đến nay, 15/19 trạm đã được khắc phục, ổn định. Đối với 4 trạm bất cập còn lại, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc.

Với trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa), do trạm nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ban ngành chức năng và nhà đầu tư đã nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn. Tuy nhiên, do hiện có 3 tuyến song hành (gồm Quốc lộ 1 qua TP Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây), đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt nên các xe có thể tránh trạm, việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100) cũng đang lúng túng cách xử lý. Bộ GTVT đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất về phương án giảm giá. Đến nay, phương án giảm giá đã được thống nhất, tuyên truyền rộng. Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên, còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại trạm thu phí dẫn đến phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Còn báo cáo về trạm thu phí T2 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B) nêu, Bộ GTVT đã thống nhất với kiến nghị của các địa phương lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2, xin bố trí vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư Quốc lộ 91B, giao UBND TP Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì.

Riêng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn Nhà nước để hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính.

Để xử lý bất cập các trạm này, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhằm hỗ trợ hoặc thanh toán cho nhà đầu tư.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, do bất cập về vị trí đặt trạm, không được sự đồng thuận của người dân nên khó có thể xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận thấy, việc Nhà nước hỗ trợ hoặc mua lại các trạm này không phù hợp. Nếu chỉ căn cứ vào sự phản đối quyết liệt của người dân quanh trạm thì chưa đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để xem xét, quyết định dùng ngân sách mua lại các dự án BOT…

Bên cạnh đó, việc mua lại các dự án tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự. Song song đó là gây áp lực cho ngân sách Nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay. Việc này còn đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Vì sao Nhà nước phải bỏ tiền ra để "sửa sai"?

Trước đó, Báo Gia đình & Xã hội đã đăng tải nhiều bài viết về việc một số trạm thu thí BOT đặt sai vị trí gây nhiều bức xúc cho người dân, dẫn đến sự bất ổn, xáo trộn xã hội. Đơn cử như dự án BOT Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) bị tài xế phản đối từ năm này qua năm khác vì cho rằng trạm BOT này đặt một chỗ nhưng để hoàn vốn cho đoạn đường khác.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương.

Nêu quan điểm về đề xuất dùng ngân sách thanh toán cho các trạm BOT đang bị người dân phản đối của Bộ GTVT, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) thẳng thắn nói: "Người chịu thiệt thòi trong tất cả những ồn ào từ các trạm BOT chính là người dân, những người tham gia giao thông chứ không phải nhà đầu tư".

Nhắc lại nguyên tắc trong đầu tư xây dựng dự án hạ tầng giao thông, ông Phương cho biết phải thu phí dựa trên nhu cầu và quyền lựa chọn của người tham gia giao thông. Theo đó, người dân có quyền chọn đi đường cũ, chất lượng không cao nhưng không mất phí do Nhà nước đầu tư hoặc, chọn đi nhanh, đi đường tốt nhưng phải chấp nhận trả phí để đi đường cao tốc. Tuy nhiên, nhiều trạm BOT đặt sai chỗ, làm đường một nơi, đặt trạm một nẻo, buộc người dân phải đi qua BOT, phải trả tiền phí cao, gây bất bình trong dư luận.

"Đề xuất vô lý trên có phải là do tư duy có dự án là làm, làm dự án bất chấp hiệu quả, còn hậu quả đã có người khác gánh. Trong khi đó, nhiều dự án chưa minh bạch về chi phí tổng mức đầu tư dẫn tới tình trạng nhà đầu tư cứ thua lỗ là lại xin, đòi tăng, ép Nhà nước phải mua lại. Như vậy khác gì Nhà nước phải bỏ tiền ra để sửa sai?", ông Phương đặt vấn đề.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh thì cho biết, việc dùng ngân sách Nhà nước mua lại các dự án BOT mà người dân đang phản ứng về việc đặt nhầm chỗ, thu phí cao... sau đó không thu phí nữa là việc làm chưa có tiền lệ. Nếu áp dụng cách này, có thể tạo ra tiền lệ cho các dự án khác. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng ngân sách mua lại thì cần thẩm định, tính toán kỹ. Không thể sử dụng giá do Bộ GTVT và nhà đầu tư đưa ra để chi ngân sách mua lại, vì giá này chưa hẳn đúng.

"Chi ngân sách Nhà nước mua lại dự án hay mua lại khoản vay của nhà đầu tư đều là những giải pháp chấp nhận được về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là mua lại với giá nào. Việc mua lại phải được xem xét kỹ, có bên độc lập tham gia, không phải chuyện nội bộ của Bộ GTVT và nhà đầu tư. Vì đã có nhiều ý kiến về nhóm lợi ích đằng sau các dự án BOT nên càng phải cẩn thận", ông Doanh nói.

Hầu hết hợp đồng dự án BOT đều được đóng dấu mật

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, đáng ra các dự án BOT giao thông ngay từ đầu đã phải công khai cho người dân giám sát. Thay vì làm như vậy, nhiều hợp đồng dự án lại được đóng dấu mật, với nhiều điều khoản kỳ quặc. Do vậy khi có hậu quả thì cả Bộ GTVT và nhà đầu tư đều phải chịu trách nhiệm để xử lý dứt điểm vấn đề BOT. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch các dự án đang thu phí, như hợp đồng đã ký; thời gian thu còn lại; số tiền thu được; số xe qua trạm...

"Bộ GTVT cũng sớm hoàn thiện hệ thống thu phí tự động không dừng để minh bạch hơn thu phí thủ công. Quan trọng vẫn là tăng cường giám sát và trách nhiệm, nếu không thì dù tự động vẫn có gian lận", ông Đào nói.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quoc-hoi-bac-bo-de-nghi-dung-ngan-sach-nha-nuoc-mua-lai-cac-tram-bot-dat-sai-vi-tri-20210409150643516.htm