Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của 4 luật
Với đa số đại biểu tán thành, sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 về sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.
Từ khi các luật được thông qua cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở quyết tâm và cam kết của Chính phủ, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức, Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận và nếu đủ điều kiện sẽ thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.
Về ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã có ý kiến giải trình tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24/6/2024 về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật để điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có Báo cáo số 346/BC-CP ngày 28/6/2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo luật. Trong Báo cáo số 346 /BC-CP ngày 28/6/2024, Chính phủ cho rằng phương án đề xuất là để bảo đảm không có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đồng thời không gây ra cách hiểu khác nhau và khẳng định: “sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm. Đồng thời, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các Luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi triển khai thi hành Luật.”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thể hiện nội dung cam kết của Chính phủ tại dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.
Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, ông Thanh cho biết, việc cho phép đối tượng lựa chọn thời điểm có hiệu lực sẽ không bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về chính sách của Nhà nước đối với thời điểm thực hiện các nội dung chuyển tiếp; không bảo đảm hiệu lực về không gian được quy định tại Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể dẫn tới việc tùy tiện trong áp dụng các quy định của Luật theo các thời điểm hiệu lực khác nhau, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân cũng như cơ quan quản lý nhà nước về lựa chọn thời điểm để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan.
Về một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương; khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều, nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của Bộ, ngành trong khi các văn bản này chưa được ban hành, đồng thời các văn bản của địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp Luật được thông qua, thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp. Đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Tại Báo cáo số 338/BC-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật, Chính phủ đã báo cáo về tiến độ ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành tại Phụ lục số 01. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, theo Báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ khẳng định, trường hợp Quốc hội thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 thì vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 01/8/2024 khi Luật này được Quốc hội thông qua; chịu trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung các luật này…
Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.