Quốc hội bổ sung nội dung công tác nhân sự vào chương trình làm việc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn vào buổi sáng, sau đó họp riêng về công tác nhân sự.

Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tiếp đó, theo thông lệ tại kỳ họp giữa năm, Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng ủy quyền sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian 90 phút, trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau đó, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Buổi chiều, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự. Đây là nội dung vừa được Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7.

Sau đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Liên quan đến phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư về văn hóa, thể thao và du lịch, một trong những trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên làm việc chiều 5/6 là về du lịch, từ vấn đề phát huy bản sắc, sự kiện thể thao, sản phẩm du lịch đến chính sách visa, đào tạo hướng dẫn viên, kinh tế ban đêm.

Nghị quyết số 8 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn hiện tại về lĩnh vực du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chậm hơn so với bản đồ du lịch quốc gia do nhiều nguyên nhân khác nhau và đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp để liên kết phát triển.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã tập trung phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị. Trong đó đều xác định các tuyến, các trục, các khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch và dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch cũng đề cập đến các sản phẩm du lịch có lợi thế của vùng như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa. Đồng bằng sông Cửu Long đang nhận diện và thu hút được khách, có nhiều điểm đang phát triển tốt và có thương hiệu.

"Bà con nơi đây rất sáng tạo. Mỗi một vùng quê ở vùng này đều có một sản phẩm và quan điểm là mỗi tỉnh đều phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc và biết dựa trên tài nguyên văn hóa của mình để làm," ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Nhấn mạnh sự kết nối với TP HCM - một điểm đầu tàu để liên kết giữa Đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu du khách. Bộ trưởng hy vọng với cách tiếp cận như vậy sẽ dần dần thúc đẩy được vùng có nhiều tài nguyên du lịch chưa được "đánh thức".

"Chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn các địa phương phải tập trung để giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi từ việc này," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-hoi-bo-sung-noi-dung-cong-tac-nhan-su-vao-chuong-trinh-lam-viec-post35407.html