Quốc hội Bulgaria: 'Sức mạnh từ sự thống nhất'
Bulgaria có cơ quan lập pháp theo chế độ đơn viện với Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Mặc dù Quốc hội hiện nay được thành lập theo Hiến pháp 1991, nhưng những ý tưởng về nền dân chủ nghị viện, bầu cử và đại diện đã xuất hiện từ trước cuộc Cách đấu tranh giải phóng khỏi đế chế Ottoman năm 1878.
Từ cuộc Khởi nghĩa tháng Tư đến Hiến pháp 1991
Những ý tưởng về Hiến pháp và nghị viện, về bầu cử và đại diện xuất hiện từ trước khi Nhà nước Bulgaria được khôi phục năm 1878, dưới ảnh hưởng của các tư tưởng và thực tế ở châu Âu. Điều này được thể hiện trong các cuộc họp, các nghi thức và quyết định của Giáo hội và Hội đồng Nhân dân ở Constantinople năm 1871, và các hoạt động của Phong trào Cách mạng dân tộc Bulgaria (BRCC) với nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thiết lập Nhà nước Bulgaria độc lập.
Kỳ họp Quốc hội ở Oborishte ngày 14.4.1876 đã có một quyết định mang tính lịch sử: tuyên bố cuộc Khởi nghĩa tháng Tư, đặt nền tảng cho tiền thân của Quốc hội và chế độ lưỡng viện ở Bulgaria. Lại một lần nữa, Nhân dân Bulgaria giương cao ngọn cờ giải phóng, hướng tới một Chính phủ hoạt động theo Hiến pháp. Đường hướng chính trị của BRCC nhấn mạnh nhiệm vụ tái lập Nhà nước Bulgaria và nêu rõ: “Nhà nước Bulgaria sẽ là một nhà nước độc lập trong sự hòa hợp với cơ quan Hiến pháp được cụ thể hóa bởi một cơ quan lập pháp do nhân dân bầu ra”.
Năm 1878, sau gần một thế kỷ nổi dậy và đấu tranh ngoại giao thất bại, Bulgaria đã khôi phục lại chế độ nhà nước dưới hình thức quân chủ và giải phóng khỏi 500 năm cai trị của đế chế Ottoman. Cuộc họp của Quốc hội Lập hiến ở Veliko Turnovo (10.2 - 16.4.1879), được triệu tập theo điều 4, Hiệp ước Berlin, gồm 229 đại biểu, đã đặt nền móng cho chế độ nghị viện ở nước Bulgaria tự do. Quốc hội Lập hiến đã soạn thảo Hiếp pháp Turnovo và nhất trí thông qua vào ngày 16.4.1879. Bản Hiến pháp gồm 22 chương, 169 điều. Công quốc Bulgaria được định nghĩa là “một chế độ quân chủ lập hiến và nối truyền, với vai trò đại diện của Nhân dân”. Quốc hội chấp nhận nguyên tắc chia sẻ quyền lực giữa cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp. Hiến pháp bảo vệ quyền tự do của công dân, quyền bất khả xâm phạm tài sản riêng; Các cá nhân có quyền tự do và bình đẳng trước pháp luật, tham gia hoặc từ bỏ các quyền liên quan đến giai cấp...
Quốc hội hiện tại được thành lập theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Bulgaria được thông qua vào năm 1991 gồm 240 đại biểu thực thi quyền lập pháp và giám sát với nhiệm kỳ 4 năm. Không giống như các văn bản hiến pháp trước đó, Hiến pháp tháng 7.1991 nêu rõ: Quốc hội là cơ quan thường trực, tất cả các cuộc họp được tổ chức công khai; các văn bản luật và quyết định mà Quốc hội thông qua có giá trị bắt buộc đối với mọi cơ quan nhà nước, các tổ chức và công dân của nước Cộng hòa Bulgaria. Các thành viên của Quốc hội không chỉ đại diện cho cử tri tại khu vực bầu cử mà còn đại diện cho toàn thể Nhân dân. Mọi hoạt động của họ đều tuân theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với trách nhiệm và lương tâm. Quốc hội hiện nay của Bulgaria là Khóa 49, bắt đầu sau cuộc tổng tuyển cứ tháng 4.2023.
Cơ quan thường trực
Theo quy định của Hiến pháp 1991, Quốc hội là một cơ quan thường trực, có ba kỳ nghỉ lễ chính trong năm là lễ Giáng sinh (tháng 12), lễ Phục sinh (tháng 4) và hè (tháng 8). Ngoài các phiên họp toàn thể tại hội trường, các nghĩ sĩ thường làm việc tại các ủy ban, trong các phiên họp theo nhóm và tại các đơn vị bầu cử của mình. Tại các phiên họp toàn thể, Quốc hội sẽ xem xét thông qua các dự luật, các nghị quyết và tuyên bố, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với Chính phủ theo từng vấn đề được quan tâm. Các phiên họp toàn thể thông thường được tiến hành 3 ngày mỗi tuần và ngày cuối cùng được dành để các nghị sĩ chất vấn thành viên Chính phủ.
Đại Hội đồng Quốc gia - một “Quốc hội” lớn hơn
Bên cạnh cơ quan Quốc hội thông thường, hệ thống lập pháp Bulgaria còn có một cơ quan lập pháp đặc thù được gọi là Đại Hội đồng quốc gia. Đây là cơ quan không thường trực, chỉ được thành lập để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước như thông qua hoặc sửa đổi Hiến pháp, điều chỉnh lãnh thổ...
Cơ quan này lần đầu tiên được thành lập theo Hiến pháp Tarnovo năm 1879, bị bãi bỏ năm 1947 và tái lập theo Hiến pháp năm 1991. Trong các hiến pháp khác nhau, cơ quan này có số lượng thành viên khác nhau. Theo Hiến pháp năm 1991, Đại Hội đồng quốc gia có 400 thành viên, trong đó 200 người được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ và 200 người còn lại được bầu theo hình thức đại diện đa số.
Để một quyết định được thông qua tại Đại Hội đồng quốc gia thì cần phải có ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ trong 3 phiên bỏ phiếu được tiến hành riêng biệt. Trong trường hợp Quốc hội bị giải tán, Đại Hội đồng quốc gia sẽ đảm đương các hoạt động như một Quốc hội thông thường cho đến khi Quốc hội mới được bầu. Kể từ năm 1879 đến nay, đã có 7 Đại Hội đồng quốc gia được thành lập, và gần đây nhất là Đại Hội đồng quốc gia hoạt động từ 10.7.1990 đến 12.7.1991 để thông qua Hiến pháp hiện hành.
Tòa nhà Quốc hội: Giá trị lịch sử mang tính biểu tượng
Tòa nhà Quốc hội là một trong những công trình công cộng đầu tiên được xây dựng sau cuộc đấu tranh của giải phóng của Nhân dân Bulgaria khỏi đế chế Ottoman, do vậy tòa nhà mang đậm những giá trị lịch sử vĩ đại.
Được xây dựng từ năm 1884 đến năm 1886, tòa nhà này do kiến trúc sư Konstantin Iovanovich thiết kế. Ông Iovanovich từng tu nghiệp tại Áo và Thụy Sỹ, đồng thời cũng là kiến trúc sư của trụ sở Quốc hội Serbia (1891 - 1892).
Mặt ngoài của Tòa nhà Quốc hội Bulgaria được thiết kế theo phong cách nghệ thuật thời kỳ tân Phục hưng, còn bên trong của tòa nhà này đã được xây dựng và tân trang lại nhiều lần, nhưng ý tưởng nguyên bản từ thiết kế ban đầu vẫn được giữ nguyên. Ở mặt tiền của Tòa nhà dòng chữ trang trọng bằng tiếng Bulgaria: "Đoàn kết tạo nên sức mạnh". Khẩu hiệu này cũng là một phần của Quốc huy và là phương châm của cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Bulgaria.
Kể từ năm 1991, Quốc hội Bulgaria xây dựng thêm một tòa nhà nữa, nằm liền kề bên cạnh trụ sở Quốc hội chính, ngay trên Quảng trường Alexander Batenberg. Quảng trường này cũng là một trong những công trình kiến trúc ấn tượng nhất ở Thủ đô Sofia. Là nơi đặt Đài tưởng niệm Sa hoàng giải phóng (Pametnik na Tsar Osvoboditel), quảng trường này được xây dựng để vinh danh Hoàng đế Nga Alexander Đệ Nhị, người đã giúp giải phóng Bulgaria khỏi sự cai trị của Ottoman.
Vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 2008, Quốc hội Bulgaria lần đầu tiên mở cửa cho các em nhỏ vào tham quan miễn phí. Các bạn trẻ sẽ được phép tham quan hai trong số những hội trường lớn của Nghị viện, thư viện và hành lang chính thức ở phía Nam. Tại đây, các du khách nhí sẽ được tặng những chiếc bánh bọc sôcôla, chai nước hoa quả và cuốn sách mang tên Our Parliament (Nghị viện của chúng ta). Đây là lần đầu tiên một sự kiện như thế này được tổ chức ở Bulgaria. Những vị khách đặc biệt của tòa nhà Quốc hội là những em nhỏ sống trong các ngôi làng SOS trên khắp đất nước.
Tòa nhà này đến nay đã chứng kiến Quốc hội Bulgaria lần thứ 49 nhóm họp (duy chỉ trong hai năm 2020 - 2021, Quốc hội tạm thời nhóm họp Tòa trụ sở của Đảng Cộng sản ở Largo). Đồng hành cùng chiều dài đất nước, tòa nhà mang một giá trị to lớn, được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và là ứng cử viên cho biểu tượng của Sofia.