Quốc hội cần có Nghị quyết khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống dịch COVID-19.
Chiều 21/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, Quốc hội hoặc UBTVQH cần có Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống đại dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay. Lý giải về điều này, vị đại biểu làm trong ngành Y cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ gây hại lớn, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.
Đặc biệt, trong vòng 2 tháng gần đây, số ca bệnh tại Việt Nam đã lên đến trên 50.000 ca mắc, và sẽ mất thời gian lâu để chấm dứt tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chính vì vậy, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước chưa có bất cứ văn bản chính thức, độc lập nào về phòng chống dịch COVID-19".
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, hơn lúc nào hết nhân dân cần Nghị quyết của Quốc hội để đồng lòng, quyết tâm hơn trong việc chống dịch. Các địa phương cần Nghị quyết để đồng lòng, đoàn kết, tự tin, vững vàng chống dịch hiệu quả.
"Tôi tin rằng đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch tại Việt Nam", vị đại biểu trong ngành Y nhấn mạnh.
Tại các Kỳ họp Quốc hội trước của khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã nhiều lần lên tiếng về việc Quốc hội chưa đưa Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình.
Nêu lên lý do vì sao cần thiết phải sớm thay đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Luật khám bệnh chữa bệnh thay đổi rất nhiều, bây giờ không thể nhìn, sờ ngay được. Hiện các ca mổ xẻ đã được thực hiện bằng máy móc, bác sĩ kê đơn từ xa không cần ngồi cạnh bệnh nhân, cuộc cách mạng đã đẩy mạnh đời sống nhân loại, chuyển đổi số đã trên nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực y tế”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Là một vị ĐBQH cũng từng ý kiến rất nhiều lần việc cấp thiết phải sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bệnh viện mình đang phụ trách đã triển khai hình thức khám, chữa bệnh từ xa hơn một năm nhưng đang gặp khó khăn do vấn đề này chưa được quy định trong luật.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y lấy ví dụ cụ thể: "Bộ Y tế đã cố gắng ban hành thông tư hướng dẫn, tuy nhiên do không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện, áp dụng trên diện rộng. Đơn cử như việc cho phép khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc, bác sỹ được chịu trách nhiệm về đơn thuốc này cũng như quyền lợi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh từ xa".