Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Bộ VH – TT&DL

Tiếp tục chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 10/8, Quốc hội khóa XV đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tuyến toàn quốc các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Tham gia phiên chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các Bộ, ngành trung ương.

Dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội: Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở, ngành.

 Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh ta.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh ta.

Trong thời gian 1 buổi chiều, các đại biểu đã chất vấn 3 nhóm vấn đề chính thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid – 19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch. Công tác quản lý, bảo tồn cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn, phát triển văn hóa - xã hội.

Giải trình về việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid – 19, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ VH – TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Du lịch là ngành chịu thiệt hại lớn nhất do đại dịch Covid – 19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch quốc tế vẫn còn khó khăn. Để có thể kết nối với khách hàng truyền thống cần có thời gian để kết nối, đồng thời cũng cấn phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch cũng nêu những khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Trong đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch.

Giải trình về thực trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của các di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị định 166/2018/NĐ – CP và các Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế; ngân sách Nhà nước cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích còn thấp so với nhu cầu thực tế. Vẫn còn di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ…Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Trao đổi thêm về giải pháp, Bộ trưởng cho biết: Bộ hướng tới việc liên kết để tu bổ, tôn tạo các di tích có thể trở thành những điểm đến du lịch hoàn chỉnh, hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch sinh thái… vừa tạo sản phẩm văn hóa mới, vừa góp phần giảm tài trong vùng lõi di tích.

Xung quanh nhóm ý kiến cho rằng sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử ngày càng nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ VH – TT&DL nêu: Giải pháp của Bộ là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bừng vững đất nước. Rà soát điều chỉnh bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về xây dựng hành vi ứng xử văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người, biểu dương các tốt, bài trừ cái xấu, lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp để giáo dục, cỗ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của mỗi người. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo.

Cùng với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ VH – TTDL, Bộ trưởng các Bộ GD – ĐT, Bộ LĐ - TBXH đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tham gia giải trình về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ VH – TT&DL.

P.V

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/168969/quoc-hoi-chat-van-nhom-van-de-thuoc-trach-nhiem-quan-ly-bo-vh--ttdl.htm