Quốc hội cho ý kiến phim chính trị, quốc phòng, an ninh: Đặt hàng hay đấu thầu?
Tại phiên họp, khi cho ý kiến vào Luật Điện ảnh (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề xuất chỉ giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với các phim có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn các phim có nội dung khác nên thực hiện đấu thầu…
Qua thảo luận tại phiên họp về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28-10, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng, phát triển điện ảnh là một nội dung trong lãnh đạo văn hóa của Đảng, việc thể chế hóa đường lối của Đảng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Những phim mang tính đặc thù cao: Không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi
Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm đến việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, tại dự thảo Điều 15.
Điều 15 dự thảo luật quy định về việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước. Hiện tại, dự thảo luật vẫn để hai phương án để các đại biểu thảo luận, lựa chọn:
- Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
- Phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác).
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) đề nghị chọn phương án 2, bởi sản phẩm phim phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu và phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng cho mọi nhà sản xuất, mọi đối tượng.
Tuy nhiên, cần xem xét nếu thủ tục đấu thầu hiện nay chưa phù hợp với các quy trình, công đoạn sản xuất phim thì phải điều chỉnh để đơn giản hơn về thủ tục hành chính, phù hợp với thực tế.
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đối với những sản phẩm phim mang tính đặc thù cao, như dòng phim phục vụ mang mục đích chính trị, quốc phòng, an ninh thì phải thực hiện theo hình thức nhà nước đặt hàng chứ không nên tổ chức đấu thầu rộng rãi”, đại biểu dẫn chứng.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng thực hiện hình thức đấu thầu giúp tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu.
Đại biểu tỉnh Bắc Kạn cũng nhất trí với phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với các phim có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn các phim có nội dung khác nên thực hiện đấu thầu để tăng tính cạnh tranh chất lượng phim giữa các hãng phim truyện và các doanh nghiệp sản xuất phim.
Sau đó, giải trình về vấn đề này, tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, do ngân sách còn hạn hẹp, hơn 10 năm gần đây mỗi năm nhà nước đầu tư cho phim khoảng 65 tỷ đồng, mà phải sản xuất khoảng 40 bộ phim, gồm 20 phim cho truyền hình, gần 15 phim tài liệu phóng sự, chỉ còn lại khoảng 1-2 phim.
Tính ra, mức kinh phí cho mỗi phim trong một năm chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng. Khi đưa ra đấu thầu, gần như không có đơn vị nào tham gia.
"Vì vậy, chúng tôi mong muốn Quốc hội xem xét để có tính toán, chứ không phải không muốn tổ chức đấu thầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Phim Việt hóa kịch bản: Cần định hướng và quản lý
Về chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, thời gian qua, điện ảnh nước nhà đã phát triển từng bước theo kịp với thị hiếu và xu thế phát triển chung của thế giới - đây là điều đáng mừng.
“Tất nhiên, thị hiếu luôn thay đổi là bình thường, nhưng vì sao phần nhiều người Việt Nam thích xem phim nước ngoài hơn xem phim Việt Nam, xu hướng sử dụng các tác phẩm điện ảnh nước ngoài ngày càng phổ biến, đặt ra cho nền điện ảnh Việt Nam một câu hỏi lớn”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu để phát triển một cách tự phát, không có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước thì rất khó bảo đảm định hướng của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh cần đặc biệt quan tâm và khi thiết kế các quy định sao cho vừa bảo đảm tính chặt chẽ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) bày tỏ quan tâm đến kịch bản phim.
“Phim của chúng ta đã có những kịch bản và những bộ phim hay lay động lòng người như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Ván bài lật ngửa, Bao giờ cho đến tháng 10, Đất và người.... và sẽ có những kịch bản hay hơn nữa”, đại biểu nói.
Những năm gần đây, phim Việt Nam đang có việc sử dụng kịch bản của nước ngoài đã được Việt hóa và được khán giả cảm nhận là hay và đón nhận. Đó cũng là điều bình thường trong giao lưu văn hóa và đó cũng là điều đáng trân trọng trong hoạt động điện ảnh.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dù rằng kịch bản đã được Việt hóa nhưng gốc vẫn là văn hóa của nước sở tại.
“Thiết nghĩ đây là vấn đề cần quan tâm để định hướng và quản lý xu hướng này trong hoạt động điện ảnh, nhằm đáp ứng yêu cầu hài hòa giữa giao lưu, trao đổi văn hóa, yêu cầu của khán giả với yêu cầu của tính đậm đà, bản sắc dân tộc trong hoạt động điện ảnh", đại biểu Tô Văn Tám đề nghị.