Quốc hội cho ý kiến về Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành
Sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cũng trong sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Bảo đảm ổn định đời sống người dân
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005 nên trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng Dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Việc sớm thực hiện Dự án còn nhằm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.
Chủ đầu tư là UBND tỉnh Đồng Nai; tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585 héc ta. Tổng mức đầu tư khoảng 23.049 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, ngân sách trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án.
Toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định. Chính sách bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất theo nguyên tắc bằng giá trị xây mới các công trình có thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương tại thời điểm bồi thường.
UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Đề án giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống người dân, trong đó xác định cụ thể quyền lợi của người lao động; quyền lợi của doanh nghiệp; chương trình phục hồi thu nhập và ổn định cuộc sống người dân.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, sẽ nhập toàn bộ diện tích 5.000 ha cảng hàng không vào địa giới hành chính xã Bình Sơn; nhập phần diện tích 126,4 ha còn lại của xã Suối Trầu vào địa giới hành chính xã Bàu Cạn (xã Suối Trầu sẽ bị giải thể). Việc thực hiện Dự án gần như không có tác động về môi trường. Riêng đối với nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường việc xây dựng các khu tái định cư, nghĩa trang đang được UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện, trình thẩm định theo quy định.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều ý kiến nhận định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, đặc biệt là cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế (nông trường, doanh nghiệp), cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.
Báo cáo cần phân biệt rõ sự khác biệt về cơ chế bồi thường với cơ chế hỗ trợ; làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng khu tái định cư phải chia ra nhiều nhóm dân cư, như nhóm hình thành dân cư đô thị, nhóm không thích nghi được bởi sinh hoạt, sản xuất truyền thống.
Có khu dân cư chỉ có đất sản xuất, đất vườn, trong khi họ đang là nông dân, đưa vào tái định cư khu vực có tính chất đô thị hoặc trở thành đô thị sẽ khó thích nghi trong sản xuất và đời sống.
Đây cũng là băn khoăn của các đại biểu Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)...
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao để cuộc sống người dân ổn định, nếu làm không tốt việc đền bù, thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Bên cạnh đó, phương án phục hồi sản xuất và thu nhập của người dân đã được nêu rất ''suôn sẻ'' trong báo cáo, nhưng tình hình thực tế cho thấy điều đáng lo ngại là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và số lao động làm nông nghiệp là rất lớn.
Việc bố trí khu vực tái định cư chưa tính đến đất nông nghiệp, vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ như thế nào? Nếu không giải quyết tốt có thể dẫn đến thiệt hại ''kép''.
Lấy ví dụ thực tế việc thu hồi đất tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu nêu ý kiến: Ngân sách bỏ ra để đào tạo nghề cho người dân rất lớn nhưng sau khi được đào tạo, người dân có tiếp tục sống bằng nghề đó hay thất nghiệp và các vấn đề nảy sinh khác là điều cần tính đến.
Đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ cần giải trình, làm rõ thêm nội dung người dân sẽ chuyển đổi nghề như thế nào. Chính phủ, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ mục tiêu xây dựng khu tái định cư là đô thị hiện đại như mục tiêu quy hoạch đã thể hiện: đô thị kiểu mẫu, thích ứng với điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thu hồi đất, bảo đảm lắng nghe ý kiến của người dân...
Xem xét năng lực của Đồng Nai trong thực hiện Dự án
Nhiều đại biểu nêu quan điểm: Việc thu hồi, đền bù là vấn đề rất phức tạp, bởi nhiều khiếu kiện phức tạp, kéo dài hiện nay liên quan đến việc thu hồi, đền bù đất. Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai có sự thiếu công khai, minh bạch, chính xác. Phương án đền bù, diện tích từng gia đình, loại đất, tài sản đền bù phải được công khai ở khu dân cư để người dân giám sát.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu rõ: Việc di dời người dân là tạo mặt bằng xây dựng công trình nhưng cũng phải xây dựng không gian văn hóa, không gian đô thị trước. Bởi, bên cạnh hạ tầng lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành. đòi hỏi sự phát triển đô thị lành mạnh, đồng thời phải đền bù quyền lợi thích đáng cho người dân.
Bày tỏ quan điểm cần xem xét kỹ năng lực của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc điều hành dự án, các đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nhấn mạnh: Cần nhìn nhận đúng khả năng của tỉnh trong việc điều hành dự án, đặc biệt là trong việc thu hồi đất, tránh gây bức xúc cho người dân.
Điều quan trọng nhất là lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cần giao Chính phủ xem xét lại năng lực của tỉnh, trong trường hợp tỉnh chưa có kinh nghiệm thực hiện, Chính phủ phải trợ giúp để giải quyết, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.
Đối với việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến đề nghị công tác này nên tổ chức làm một lần để đảm bảo tiến độ; UBND tỉnh Đồng Nai cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể và Chính phủ cần giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện thu hồi đất, tránh xảy ra mâu thuẫn, sai sót gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài như một số dự án đã triển khai trước đây.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) kiến nghị Chính phủ nên bố trí đủ nguồn vốn là 23 nghìn tỷ đồng để đảm bảo tiến độ thực hiện và tránh những bất câp về mức đền bù ở những giai đoạn khác nhau. Tiến độ bố trí và sử dụng vốn, cần cân đối và trình Quốc hội để bố trí vốn trung và dài hạn đáp ứng đủ 23 nghìn tỷ đồng cho dự án...
Bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, minh bạch
Thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhiều đại biểu đánh giá: Nếu nhìn toàn bộ quá trình thực hiện luật này, dường như những quy định của Luật vẫn đứng bên lề, chưa xử lý được nhiều vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều quy định hiện hành còn mang tính định tính, nên tính khả thi không cao.
Vì vậy, việc sửa đổi lần này phải nghiên cứu kỹ thị trường, hoạt động kinh doanh hiện nay để đưa ra những quy định có tính thực tiễn và khả thi. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Luật Cạnh tranh đã có từ năm 2014. Khi đó quá trình hội nhập chưa sâu rộng nên qua 12 năm, mới chỉ có 80 cuộc điều tra tố tụng liên quan đến Luật này. Do đó, việc sửa đổi, hoàn thiện trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị ban chấp hành Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây là bộ luật quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Ban soạn thảo cần lưu ý đến các nội dung liên quan đến vấn đề hội nhập và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và mô hình Cơ quan cạnh tranh quốc gia, một số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Cơ quan cạnh tranh quốc gia độc lập phải thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ: Chức năng của Cơ quan cạnh tranh quốc gia là tham mưu, xử lý nhiều lĩnh vực. Nếu trực thuộc Bộ Công Thương, cơ quan này có giải quyết được tất cả các vụ việc cạnh tranh, trong đó có nhiều vụ việc cạnh tranh không lành mạnh hay không. Vì vậy, tại các địa phương cũng cần có các cơ quan quản lý về cạnh tranh...
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền...