Quốc hội 'chốt' đầu tư cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành hơn 25 nghìn tỷ

Theo Nghị quyết, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027. Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành dài khoảng 128,8 km, chia thành 5 dự án thành phần.

Sáng 28/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Kết quả biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử cho thấy, có 464 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,47%), Quốc hội đã thông qua nghị quyết này.

Với 464 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Với 464 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Trước đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án. Theo ông Vũ Hồng Thanh, về quy mô và phương thức đầu tư, Chính phủ đã điều chỉnh dự thảo Nghị quyết theo hướng đầu tư đồng bộ toàn Dự án theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và sử dụng chi phí dự phòng, không làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư.

Về tác động của Dự án đến các dự án giao thông BOT song hành, UBTVQH cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, đánh giá sơ bộ, việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ kéo dài thời gian thu phí của 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14 khoảng từ 5 - 6 năm. Sau khi Dự án đưa vào khai thác sử dụng mới đủ cơ sở đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của Dự án đến 2 dự án BOT song hành này, từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Về sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiếp thu ý kiến ĐBQH, trong giai đoạn triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các địa phương xây dựng chính sách đền bù thỏa đáng theo nguyên tắc người dân đến nơi ở mới phải bảo đảm tốt hơn, tối thiểu phải bằng nơi ở cũ; đặc biệt là quan tâm đến phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm về đất ở, đất sản xuất cho người dân và việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân chịu ảnh hưởng của Dự án.

Về tiến độ hoàn thành, chất lượng của Dự án, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027 để bảo đảm tính khả thi cho Dự án.

Bên cạnh đó, UBTVQH thống nhất với nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ về kiến nghị cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTƯ năm 2022 đến hết năm 2026.

Về kiến nghị các cơ chế chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng Dự án.

Theo Nghị quyết, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng, trong đó NSTƯ là 10.536,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng (Bình Phước là 1.233,5 tỷ đồng, Đắk Nông là 1.000 tỷ đồng); vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quoc-hoi-chot-dau-tu-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-hon-25-nghin-ty-169240628092053301.htm