'Quốc hội đã khép lại một kỳ họp thành công tốt đẹp'

Theo TS. Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng, Quốc hội đã khép lại một Kỳ họp thành công tốt đẹp với khối lượng công việc khổng lồ và nhiều quyết sách quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua số lượng văn bản quy định pháp luật rất lớn, góp phần đẩy nhanh việc giải quyết những điểm nghẽn pháp lý cho nhiều vấn đề nóng, thời sự của xã hội.

Ba điểm nổi bật của Kỳ họp

- Nhìn lại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, theo ông, đâu là những điểm nhấn nổi bật?

- Quốc hội đã khép lại một Kỳ họp thành công tốt đẹp với khối lượng công việc khổng lồ và nhiều quyết sách quan trọng được thông qua hứa hẹn mang tới nhiều đổi mới cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dõi Kỳ họp, tôi thấy có ba điểm rất nổi bật. Thứ nhất, Quốc hội đã thông qua, cho ý kiến với số lượng văn bản quy định pháp luật rất lớn, góp phần đẩy nhanh việc giải quyết những điểm nghẽn về pháp lý cho rất nhiều vấn đề nóng, mang tính thời sự của xã hội, trong đó có Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...

Thứ hai, chất lượng các phiên chất vấn rất tốt và được nâng cao qua các Kỳ họp. Số lượng ĐBQH tham gia chất vấn và nội dung chất vấn rất nhiều, trải rộng tất cả các lĩnh vực. Phần trả lời của các bộ trưởng khá trực diện, đi thẳng vào vấn đề, không có tình trạng trả lời né tránh hoặc vòng vo. Bên cạnh đó, theo tôi, để đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của cử tri, các nội dung trả lời của các bộ trưởng cần nêu ra được lộ trình giải quyết cụ thể hơn, gắn với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, bộ, ngành đối với các vấn đề.

Thứ ba, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tọa Kỳ họp, đã chủ động dẫn dắt hoạt động chất vấn đi đúng quỹ đạo theo những nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn; cân bằng thời gian hỏi và trả lời bảo đảm đúng trọng tâm; kịp thời yêu cầu các bộ trưởng bổ sung, làm rõ những vấn đề trả lời chưa thỏa đáng, còn chung chung.

Sau mỗi phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng luôn dành thời gian để tóm tắt, đánh giá nội dung chất vấn và trả lời chất vấn một cách sâu sắc. Có thể nói, Chủ tọa đã điều hành các phiên họp rất linh hoạt, tạo sự kết nối giữa người hỏi và người trả lời, đồng thời gợi mở nhiều nội dung cho các thành viên Chính phủ dễ dàng trả lời hơn, tạo không khí tranh luận thẳng thắn, cởi mở với tinh thần trách nhiệm cao tại nghị trường.

Mục tiêu năm 2024: cao và khó song có thể đạt

- Tại Kỳ họp, Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4 - 4,5%. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi cả nhiệm kỳ. Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% và CPI tăng 4 - 4,5% tuy cao và khó, song hoàn toàn có thể trở thành hiện thực xét trên 3 trụ cột gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.

Với trụ cột đầu tiên, xuất khẩu thời gian qua sụt giảm đáng kể so với các năm trước, song cuối năm đang cho thấy đà phục hồi tốt hơn. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới dự báo tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu dần rõ nét. Cùng với đó, cầu thị trường trong nước cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho phục hồi. Đặc biệt, bước sang năm 2024, lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 43 được bơm vào nền kinh tế dự kiến sẽ phát huy hiệu quả, có tác động lớn lên thị trường. Ngoài ra, một cơ sở nữa để tin vào mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là bước sang năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, và điều này cũng tạo ra sức bật mới cho tổng cầu nền kinh tế.

Về ổn định giá cả, trong năm 2023, lạm phát toàn cầu ở mức cao song lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát hiệu quả ở mức dưới 4%. Có được thành tựu này là thành quả của sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương, và đặc biệt là công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở những gì đã đạt, tôi hoàn toàn tin tưởng nhiệm vụ bình ổn lạm phát sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt bám sát ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của năm 2024.

- Để đạt được mục tiêu đề ra, Quốc hội, Chính phủ phải lưu ý giải quyết những vấn đề gì?

- Hiện nay, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế còn thấp; bất động sản còn vướng nhiều nút thắt pháp lý; các cơ hội kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tổng cầu suy yếu từ hậu quả của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Các thách thức đáng chú ý đến từ kinh tế thế giới như bất ổn trong biến động trên thị trường toàn cầu; xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương vẫn khó lường; lạm phát toàn cầu còn ở mức cao; triển vọng hồi phục nền kinh tế từ phía các nước lớn (Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản...) còn chậm.

Theo tôi, Chính phủ cần tập trung giữ vững định hướng mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Quán triệt mục tiêu này đến các cấp, ngành, địa phương nhằm bảo đảm việc thực hiện các chính sách, giải pháp được tiến hành thông suốt, phù hợp.

Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng và tiêu chí hỗ trợ. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thực tế. Quan trọng là cần công khai, minh bạch trong quy trình triển khai các chương trình hỗ trợ.

Các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực nhận biết và khả năng nắm bắt thực tiễn, khả năng dự báo những kịch bản có thể xảy ra, đồng thời lên phương án ứng phó nhằm bảo đảm công tác điều hành của Chính phủ hiệu quả, đúng thời điểm.

Đặc biệt, hoạt động giám sát của Quốc hội cần được tăng cường hơn nữa, bởi đây là một cơ chế quan trọng nhằm bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời, phù hợp và đồng bộ của các chính sách của Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/quoc-hoi-da-khep-lai-mot-ky-hop-thanh-cong-tot-dep-i352327/