Quốc hội đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia và đã giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp làm đầu mối xây dựng mạng lưới sáng kiến của Quốc hội, huy động tối đa đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành, các giới tham gia đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.
Hôm nay, 20/1, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã dự lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ QH và Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2021 - 2026.
Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch QH nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống 76 năm của QH và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV, đó là QH phải luôn tự đổi mới, không ngừng hoàn thiện, QH khóa XV quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.
Để thực hiện mục tiêu trên, QH đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia và đã giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp làm đầu mối xây dựng mạng lưới sáng kiến của QH, huy động tối đa đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành, các giới tham gia đóng góp cho hoạt động của QH. Do đó, hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam thực chất là hợp tác giữa các cơ quan của QH, QH với giới luật gia trong cả nước.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch QH cũng nêu rõ, nhiệm kỳ khóa XV, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 - KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của QH khóa XV. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để QH chủ động hơn nữa trong việc dẫn dắt công tác xây dựng pháp luật, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước.
Hiện nay, Đảng đoàn QH đã và đang hoàn thiện xây dựng 5 chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. QH cũng đang tập trung đẩy mạnh giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát.
Chủ tịch QH nêu rõ, vừa qua, với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, Lãnh đạo QH đều giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của đội ngũ chuyên gia giúp QH có thêm các luận cứ, cơ sở khoa học và cơ sở trong xem xét, quyết định. Hội Luật gia Việt Nam với tính chất là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp quy tụ sự tham gia của khoảng 67.000 hội viên là các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật tại nhiều cơ quan. Điều này góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trên thực tế, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã chủ trì đề xuất, soạn thảo một số dự án Luật quan trọng trình QH và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật của QH. Chủ tịch QH cho rằng, việc lắng nghe, tham vấn và “chưng cất” từ các ý kiến, kiến nghị, hiến kế của Hội Luật gia Việt Nam sẽ đóng góp thiết thực cho các hoạt động của QH.
Đánh giá cao 12 nội dung hợp tác cụ thể giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch QH bày tỏ đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả hợp tác giữa hai cơ quan; đồng thời khẳng định Lãnh đạo QH sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chương trình hợp tác giữa hai cơ quan. Cùng với cơ chế hợp tác này, Chủ tịch QH cũng lưu ý Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với giới chuyên gia trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho QH, các cơ quan của QH./. T.Quyên (Hoàng Thư – Thời sự)