Quốc hội đặc biệt quan tâm đến an toàn tính mạng, sức khỏe của Nhân dân

Nhìn từ vụ cháy chung cư mini vừa xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng NGUYỄN MINH ĐỨC nêu rõ, tái giám sát việc thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhân dân. Qua đợt tái giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ đánh giá toàn diện việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức

Nghị quyết 99/2019/QH14 - thông điệp mạnh mẽ về phòng cháy, chữa cháy

- Nhìn từ vụ cháy chung cư mini đau lòng xảy ra tại phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông đánh giá thế nào về tình hình cháy nổ hiện nay?

- Qua vụ việc lần này chúng ta một lần nữa thấy rằng, hệ lụy của cháy nổ là vô cùng to lớn cả về con người và vật chất; vết thương cho những người ở lại không biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai.

Với tình hình như hiện nay, tôi cho rằng, trong những năm tới đây, tình hình cháy, nổ dự báo sẽ vẫn diễn biến phức tạp tại các khu dân cư cũ, tồn tại lâu đời, nhất là loại hình nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Đặc biêt là tại các chợ, trung tâm thương mại, nhà chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở xăng dầu, dầu khí, vật liệu nổ công nghiệp, cảng hàng không, cơ sở có tập trung đông người, rừng, các công trình trọng điểm về văn hóa, du lịch... Và với tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt, hóa chất... sẽ là nguyên nhân gây cháy cao nếu không có các giải pháp quyết liệt.

- Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành giám sát và ban hành Nghị quyết 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trước diễn biến phức tạp của tình hình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội. Ông nhận định thế nào về ý nghĩa của việc tái giám sát Nghị quyết 99?

- Nghị quyết 99/2019/QH14 là một trong những nghị quyết mang thông điệp rất mạnh mẽ, mang tính mệnh lệnh của Quốc hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong Nghị quyết đã quy định rõ những nhiệm vụ cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành, song tình hình cháy, nổ vẫn xảy ra thường xuyên đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục giám sát việc thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội. Trên cơ sở đó, làm rõ những kết quả đạt được, bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, xác định nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, trách nhiệm của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, cá nhân; làm cơ sở kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 và hoàn thiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới. Điều này càng minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhân dân.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

- Qua thực tế làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội?

- Từ khi Nghị quyết 99 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11.5.2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 gồm 9 nhóm vấn đề, 93 nhiệm vụ để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai, tổ chức thực hiện với lộ trình, thời hạn hoàn thành cụ thể. Theo đó, 100% các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, qua làm việc, tôi thấy rằng, vai trò, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 99 của Quốc hội và Quyết định 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự được quan tâm, quyết liệt, còn một số nhiệm vụ chậm triển khai, chưa bảo đảm tiến độ. Ví dụ, Bộ Xây dựng chưa hoàn thành tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế; Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành Thông tư quy định danh mục thiết bị tối thiểu đối với hoạt động dạy học, diễn tập, thực hành về phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên…

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”; chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ, còn chủ quan, coi nhẹ; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về phòng cháy, chữa cháy và còn nhiều số công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng…

- Vậy theo ông, đâu là giải pháp để đưa công tác phòng cháy, chữa cháy ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn?

- Các vụ việc đã xảy ra là hồi chuông cảnh báo rất lớn về công tác phòng cháy, chữa cháy. Do đó, trước mắt cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Một mặt chúng ta phải điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, khởi tố, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo quy định; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành của mọi người dân; duy trì và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy... Đặc biệt, chúng ta cần chủ động tổ chức tập huấn, huấn luyện các kỹ năng cho lực lượng dân phòng, cơ sở, chuyên ngành và cộng đồng dân cư khi xảy ra các tình huống cháy, nổ nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản.

Về lâu dài, cần tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47 và Kết luận số 02 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99 của Quốc hội; Quyết định số 630, Quyết định số 1492, Chỉ thị số 01, Công điện 220 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có việc rà soát, ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy…

Đối với Ủy ban Quốc phòng và An ninh sau giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội, chúng tôi sẽ có tổng hợp, phân tích thấu đáo, kiến nghị rõ ràng để đánh giá toàn diện về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới nhằm đưa công tác này vào khuôn khổ, đạt hiệu quả cao nhất.

Trung Thành thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/theo-dong-su-kien/quoc-hoi-dac-biet-quan-tam-den-an-toan-tinh-mang-suc-khoe-cua-nhan-dan-i343282/