Quốc hội đang chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, yêu cầu dứt khoát, rất quan trọng là tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 8-11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn đề các nội dung: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) chất vấn việc chỉ đạo triển khai dịch vụ công trực tuyến việc khai thác, chia sẻ kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia hiện nay được triển khai thực hiện như thế nào và có khó khăn gì không?
Việc chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trọng tâm là Chính phủ thông minh thực hiện vào quản lý, điều hành và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp hiện nay như thế nào. Giải pháp của Bộ của Bộ trưởng trong thời gian tới?
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông nhiều người gọi là báo chí nhân dân, trong đó có nhiều trang mạng xấu độc, tác động xấu đến đời sống xã hội. “Xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để giải quyết bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả?”, đại biểu hỏi.
Dẫn quy định của Hiến pháp về mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự uy tín của mình, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) chất vấn về thực trạng nhiều cơ quan báo chí thông tin mạng khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư, gây bất lợi thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) hỏi: "Hiện nay số sim điện thoại của cá nhân, tổ chức quảng cáo nào cũng có được quảng cáo rao bán đất bán nhà các loại hàng hóa, thậm chí điện trực tiếp, như vậy có vi phạm pháp luật không. Tôi đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an có biện pháp gì để ngăn chặn, xử lý, khắc phục tình trạng trên"?
Sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, có dấu hiệu tin nhắn rác xuất hiện nhiều, không ít video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng… Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn nhiều người dân bị lừa đảo, chịu thiệt hại vật chất, tinh thần, Bộ trưởng có giải pháp gì, xử lý như thế nào?
Trả lời về vấn đề tin xấu, độc trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, câu chuyện tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện. Hành lang pháp lý ta đã có Luật An ninh mạng. Trong khối Asean gần đây nhất Singapore đã ban hành luật về xử lý tin giả, tinh thần chung là xử lý nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả không phải phạt vài chục triệu, có thể phạt đến hàng triệu đôla, thậm chí phải đi tù.
“Chúng tôi chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, yêu cầu dứt khoát, rất quan trọng là tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên.
Đáng nói, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông từ cấp từ cấp học phổ thông. Nếu như chúng ta đọc một tin xấu thì vô hình chung ta đang nuôi cái tin xấu đó vì mỗi lần đọc tin xấu là tăng thêm 1 view, người đưa tin đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên.