Quốc hội Hungary phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển
Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, gỡ bỏ rào cản cuối cùng để mở đường cho quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự.
Theo AP, Quốc hội Hungary ngày 26/2 đã bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, chấm dứt gần 2 năm trì hoãn nỗ lực gia nhập của Stockholm.
Quá trình phê chuẩn văn kiện dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng một tuần sau khi Tổng thống Hungary ký thông qua và công bố chính thức.
“Hợp tác quân sự giữa Thụy Điển và Hungary, cũng như việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp củng cố an ninh của Hungary. Vì vậy, tôi yêu cầu các nghị sĩ hãy bỏ phiếu để thông qua nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội.
Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã đệ trình các nghị định thư phê duyệt việc Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 7/2022, nhưng vấn đề này đã bị đình trệ tại Quốc hội trước sự phản đối của các nhà lập pháp đảng cầm quyền.
Cuộc bỏ phiếu diễn trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tới Budapest vào cuối tuần trước để gặp Thủ tướng Orban.
Sau cuộc gặp, hai bên đã thông báo về việc ký kết một thỏa thuận công nghiệp quốc phòng, trong đó bao gồm việc Hungary mua 4 máy bay phản lực JAS 39 Gripen do Thụy Điển sản xuất và gia hạn hợp đồng dịch vụ cho phi đội Gripen hiện có của nước này.
Thủ tướng Orban khi đó cho biết các máy bay chiến đấu bổ sung “sẽ tăng cường đáng kể khả năng quân sự của chúng tôi và tăng cường hơn nữa vai trò của chúng tôi ở nước ngoài”, cũng như góp phần cải thiện khả năng của Hungary trong việc tham gia các hoạt động chung của NATO.
Ông cũng tuyên bố việc Hungary và Thụy Điển đều là thành viên NATO đồng nghĩa với việc “chúng ta sẵn sàng chết vì nhau”. “Thỏa thuận về năng lực quốc phòng và quân sự giúp xây dựng lại niềm tin giữa hai nước,” nhà lãnh đạo Budapest nhấn mạnh.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thụy Điển và Phần Lan đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 do các lo ngại về an ninh quốc gia. Để một quốc gia có thể thành công trở thành một phần của liên minh, tất cả các thành viên NATO cần phê duyệt đơn đăng ký.
Trong khi Helsinki đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4/2023, thì Stockholm đã vấp phải sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Vào thời điểm đó, nguyên nhân mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là do Thụy Điển chưa đủ tích cực để đối phó với các nhóm được nước này cho là khủng bố. Còn Hungary cho rằng Thụy Điển vì "có thái độ thù địch công khai" khi nhiều lần chỉ trích về các vấn đề pháp quyền của Budapest.
Tuy nhiên, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/1 đã phê chuẩn nghị định thư trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản còn lại đối với việc mở rộng liên minh quân sự sau 20 tháng trì hoãn.
Hungary là thành viên NATO cuối cùng phê duyệt kết nạp Thụy Điển.
Nga chưa bình luận về động thái mới nhất của Hungary. Moscow từng cho biết họ không có vấn đề gì đối với hai quốc gia Bắc Âu, nhưng sẽ có phản ứng nếu họ gia nhập NATO. Nước này cũng nhấn mạnh rằng việc NATO mở rộng khối về phía đông, bắt đầu từ năm 1999, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga và là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột tại Ukraine.