Quốc hội Iraq: Quyết định trục xuất lực lượng quân sự nước ngoài
Ngày 5/1, Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài, đặc biệt là Mỹ tại quốc gia này. Nghị quyết và các tài liệu liên quan đã được gửi đến chính phủ của Thủ tướng Iraq Adele Abdel Mahdi.
Đáp trả hành động của Mỹ
Theo các nhà phân tích, đòn tấn công của Mỹ vào ngày 2/1 tại sân bay Baghdad, giết chết chỉ huy của lực lượng đặc biệt Quds trong Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani và các nhân vật quan trọng khác là giọt nước tràn ly.
Với nghị quyết này, Iraq đã khẳng định chủ quyền của mình và vị thế của Mỹ ở Trung Đông nói chung, ở Iraq nói riêng đang bị đe dọa.
Nghị quyết của Quốc hội Iraq khẳng định sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động của liên minh chống khủng bố quốc tế ở Iraq vì mục tiêu mà nó theo đuổi là tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đạt được. Tất cả các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi nước cộng hòa - Nghị quyết nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng lý do đưa ra sáng kiến lập pháp này là vụ giết Suleimani tại sân bay Baghdad. Không dừng lại ở đó, cũng trong ngày 5/1, Baghdad đã chính thức gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc phản đối cuộc tấn công của Mỹ tại nước này.
“Bộ Ngoại giao Iraq đã gửi hai tin nhắn tới Tổng Thư ký LHQ và Hội đồng Bảo an với các khiếu nại chính thức thông qua đại diện thường trực của mình ở New York liên quan đến các cuộc tấn công của Mỹ chống lại các cơ sở quân sự của Iraq, cũng như giết chết các chỉ huy quân sự cấp cao của Iraq và các nước thân thiện” - Công hàm của Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ.
Các tài liệu đều khẳng định, hành động của Mỹ là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq là không thể chấp nhận. Đặc biệt, Baghdad yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án những vụ đánh bom và loại bỏ mục tiêu quân sự trên đất nước này của Mỹ.
Thực ra, làn sóng phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq đã dấy lên từ trước đó. Truyền thông Iraq đã công bố các cuộc gọi của ông Hadi al-Amiri, chỉ huy lực lượng dân quân Tổ chức Badr được Iran hậu thuẫn ở Iraq, tới các nghị sĩ về quyết định trục xuất toàn bộ nhân viên quân sự nước ngoài khỏi Iraq.
Một tuyên bố tương tự được đưa ra bởi Muktad al-Sadr, nhà lãnh đạo Phong trào Sadrist, người nổi tiếng với các hành động chống lại quân đội Mỹ sau khi chế độ Saddam Hussein, sụp đổ.
Vẫn biết, nghị quyết của Quốc hội Iraq chỉ có hiệu lực khi Thủ tướng Adele Abdel Mahdi chính thức đặt bút ký. Tuy nhiên, trước đó, ông Adele Abdel Mahdi đã gọi vụ giết chết Qasem Soleimani của Mỹ là “một vụ án chính trị”, và “không thể chấp nhận được”.
Khi chủ quyền bị chi phối
“Đây là một sự vi phạm thô bạo các điều kiện cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq: Vai trò của họ chỉ giới hạn trong việc huấn luyện lực lượng Iraq và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo trong liên minh” - ông Adele Abdel Mahdi, người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp của Iraq khẳng định.
Ông Mahdi gọi hành động của Washington là một hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq. Theo Thủ tướng Iraq, Mỹ đã “đốt cháy ngọn lửa của một cuộc chiến tranh tàn phá trong khu vực”.
Các nhà phân tích cho rằng, nghị quyết của Quốc hội Iraq có vẻ như đang cố gắng duy trì sự tồn tại của cái gọi là “chủ quyền của Iraq”. Tuy nhiên, một khi đất nước vùng vịnh phải nhờ cậy vào sự bảo vệ an ninh của người Mỹ, thì cái được gọi là “chủ quyền” quả là xa xỉ, mong manh.
Ông Anton Mardasov, một chuyên gia của Hội đồng đối ngoại Nga, cho rằng, an ninh của đất nước này chủ yếu được hỗ trợ bởi người Mỹ và các đồng minh của họ. Chính vì vậy, sân bay ở Baghdad không phải là đối tượng ngoại lệ.
Theo Anton Mardasov, người Iraq nhận thức rõ rằng Mỹ có ý nghĩa như thế nào đối với Iraq hiện đại và tại sao các nhân vật thân Iran (ngay cả trước khi Suleimani tử vong), đã cố gắng thực hiện chính sách trục xuất quân đội Mỹ khỏi Iraq.
Trên thực tế, từ năm 2011 - 2014, làn sóng phản đối sự hiện diện của Quân đội Mỹ ngày một gia tăng. Ngoài ra, theo logic của Mahdi, việc rút quân là cần thiết vì Iraq sẽ không thể bảo vệ người Mỹ trước các cuộc tấn công tiềm tàng. Luận điểm này nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng một lần nữa cho thấy đây là những lập luận ngây thơ về “chủ quyền của Iraq”.
Trên thực tế, Quốc hội Iraq đã quyết định rút khỏi liên minh quốc tế chống IS, nhưng thỏa thuận song phương Mỹ - Iraq năm 2008 vẫn còn đó. Mặc dù vậy, với nghị quyết của Quốc hội Iraq lần này, khả năng hiện diện của quân đội Mỹ tại đất nước vùng Vịnh là hết sức mong manh.