Quốc hội làm luật 'đúng vai', 'tròn vai'
Quốc hội làm luật “đúng vai”, “tròn vai”
Nguyễn Văn Phúc
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp
Theo quy định tại Điều 69 của Hiến pháp năm 2013, lập hiến, lập pháp là một trong các chức năng quan trọng nhất của Quốc hội cùng với chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chức năng giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
![Phiên họp toàn thể của Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_592_51485655/e971870cb4425d1c0453.jpg)
Phiên họp toàn thể của Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV
Khoản 1 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể hơn chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội là làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật.
Đối với chức năng làm luật và sửa đổi luật: Trước hết, luật (gồm cả bộ luật) là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành và được Chủ tịch nước công bố, có hiệu lực pháp lý cao nhất sau Hiến pháp. Luật phải phù hợp với Hiến pháp, mọi văn bản pháp luật dưới luật phải phù hợp với Hiến pháp và luật.
![Các đại biểu dự một phiên họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồ Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_592_51485655/13f9608453caba94e3db.jpg)
Các đại biểu dự một phiên họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồ Long
Vậy luật quy định những nội dung gì là đúng vai lập pháp của Quốc hội?
Thứ nhất, luật cụ thể hóa những nội dung mà Hiến pháp bắt buộc phải quy định bằng luật tại các Điều 14, 19, 20, 21, 22, 27, 31, 47, 54, 55, 80, 96, 101, 105, 107, 108, 110, 111, 112, 113, 117, 118 và 119. Ngoài ra, theo Điều 70 của Hiến pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, còn có những nội dung phải do Quốc hội quy định, tức là bắt buộc quy định bằng luật hoặc bằng nghị quyết của Quốc hội.
Nhiều nội dung khác của Hiến pháp được quy định mở, có tính chất tùy chọn, cho phép Quốc hội ban hành luật, nghị quyết hoặc cơ quan khác của Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản dưới luật tùy theo tính chất của vấn đề và yêu cầu điều chỉnh bằng loại văn bản pháp luật nào là phù hợp nhất. Tuy nhiên theo thông lệ, chủ yếu các nội dung này của Hiến pháp được cụ thể hóa bằng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội.
![Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 14, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hạnh Nhung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_592_51485655/967ce701d44f3d11645e.jpg)
Các ĐBQH thảo luận tại Tổ 14, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hạnh Nhung
Thứ hai, luật thể chế hóa những nội dung cần quy định bằng luật được ghi trong Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Thứ ba, luật quy định những nội dung cam kết của Nhà nước cần phải được nội luật hóa để thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tư, ngoài các trường hợp nói trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật trước Quốc hội theo Điều 84 của Hiến pháp, có thể đề xuất những nội dung khác mà mình thấy cần quy định bằng luật để Quốc hội xem xét, quyết định.
![Đại biểu Quốc Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) phát biểu tại tổ. Ảnh: T. Tâm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_592_51485655/e652902fa3614a3f1370.jpg)
Đại biểu Quốc Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) phát biểu tại tổ. Ảnh: T. Tâm
Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất thì sự phân công, phối hợp rõ ràng, hợp lý, khoa học và sự kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; sự phân phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo nguyên tắc “ địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm “ cũng là cơ sở rất quan trọng bảo đảm cho Quốc hội lập pháp đúng vai.
Lập pháp đúng vai dễ xác định do có cơ sở Hiến định và luật định khá rõ ràng, cụ thể và ngày càng hoàn thiện. Trong khi đó lập pháp tròn vai là vấn đề cần được tiếp tục phân tích, đánh giá. Có thể nêu một số tiêu chí mà mỗi luật và cả hệ thống luật cần đáp ứng, cho thấy hoạt động lập pháp của Quốc hội tròn vai như sau:
Một là, tính Đảng, tính hợp Hiến, tính khoa học, tính chuyên nghiệp, tính tuân thủ quy trình, thủ tục lập pháp do luật định.
Hai là, tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, nhất quán và kịp thời của hệ thống luật theo đúng định hướng và chương trình lập pháp trên cơ sở bảo đảm quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp.
![ĐBQH Trần Lưu Quang (TP. Hải Phòng) phát biểu tại tổ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_592_51485655/fc358848bb0652580b17.jpg)
ĐBQH Trần Lưu Quang (TP. Hải Phòng) phát biểu tại tổ
Ba là, tính đầy đủ, bao quát phạm vi điều chỉnh, các đối tượng áp dụng, dự liệu được các tình huống phát sinh, các ngoại lệ, đặc thù cần giải quyết, xử lý trong luật.
Bốn là, tính nguyên tắc, tính chất khung hợp lý của luật, bảo đảm sự điều chỉnh ổn định, đồng thời tạo sự linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương và hoạt động của các cơ quan tư pháp, kiểm toán.
Tính cụ thể trong những trường hợp cần thiết, tính minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng, chấp hành luật đối với các chủ thể có liên quan và dễ dự báo, dễ tiên lượng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho luật có thể trực tiếp và nhanh chóng đi vào cuộc sống mà không phải chờ ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Năm là, tính nghiêm minh, công bằng, dân chủ, nhân văn, nhân đạo, tiến bộ, bao trùm và thúc đẩy phát triển.
Sáu là, tính dân tộc, tính hiện đại, tính hội nhập quốc tế.
Bảy là, tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả cao và đầy đủ.
QH làm luật đúng vai, tròn vai bằng cách nào?
Trong các diễn đàn về Hiến pháp và pháp luật, gần đây nhất là tại Hội thảo “Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển” do Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức, có ý kiến cho rằng, quy định Quốc hội làm luật là không đúng; Quốc hội không thể làm luật mà chỉ thông qua luật do Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trình. Trao đổi lại, TS. Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, khái niệm “Quốc hội làm luật” đã được cố Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh dùng (và thể hiện trong Hiến pháp năm 1980). Trong lịch sử lập Hiến của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã sử dụng khái niệm “Quốc hội làm pháp luật” và cho ghi trong Hiến pháp năm 1959.
Trên thế giới, ở nhiều nước khái niệm “Quốc hội là cơ quan lập pháp” (Legislative Body) hoặc khái niệm “Quốc hội là cơ quan làm luật” (Lawmaking Body ) cũng được sử dụng phổ biến. Nghị sĩ, ĐBQH cũng thường được gọi là Nhà làm luật (Lawmaker). Ở nước ta, khi nói Quốc hội làm luật không có nghĩa là Quốc hội tự mình nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chính sách lập pháp, tự mình biên tập, soạn thảo, hoàn chỉnh dự án Luật để thông qua (ban hành).
![ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại Hội trường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_592_51485655/4b6a31170259eb07b248.jpg)
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại Hội trường
Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội làm luật (Điều 70); đồng thời quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật (Điều 84); Chính phủ đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội quyết định, trình dự án luật trước Quốc hội (khoản 2 Điều 96); HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật (Điều 75, Điều 76); Quốc hội biểu quyết thông qua luật (Điều 85 ); Chủ tịch nước công bố luật (Điều 85 và Điều 88). Căn cứ Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, thông qua cũng quy định cụ thể về xây dựng, ban hành luật.
Qua đó cho thấy rõ hơn Quốc hội làm luật là cả một quá trình từ xây dựng, phê duyệt, quyết định Định hướng, Chương trình lập pháp của Quốc hội; phân công cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất, xây dựng chính sách, soạn thảo, trình dự án luật; thẩm tra, cho ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định.
Như vậy, khái niệm “Quốc hội làm luật” cần được hiểu theo nghĩa rộng, là một quá trình với sự tham gia và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nói trên. Trong đó, Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chịu trách nhiệm trước Nhân dân có vai trò chủ trì, chủ đạo và là cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng.
Trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội sẽ có sự phát triển đột phá theo hướng tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, làm việc đúng vai, tròn vai hơn trước, sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên phát triển mới, Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.