Quốc hội Malaysia thảo luận về khả năng thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á

Chính phủ Malaysia cho biết đang có kế hoạch thay thế việc sử dụng USD trong trao đổi thương mại giữa các nước thành viên ASEAN.

Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Ahmad Maslan cho rằng điều này sẽ ngày càng được hiện thực hóa với việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF).

Phát biểu tại phiên họp quốc hội ngày 23/6, Thứ trưởng Ahmad nói: “Trong cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Incheon (Hàn Quốc), tôi đã được hiểu về vai trò của Ngân hàng Phát triển châu Á, liên quan đến 68 quốc gia và việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á khó khăn như thế nào”.

Thủ tướng Anwar Ibrahim gần đây đã một lần nữa đề xuất thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á trong thời gian ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok (Thái Lan) và trước đó tại Trung Quốc, trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh và gần đây là ở Labuan Bajo, Indonesia.

Hiện tại, có những quốc gia đang sử dụng đồng nội tệ tương ứng trong giao dịch thương mại. Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng cho đến nay, đã có ba quốc gia sử dụng đồng nội tệ trong quá trình giao dịch thương mại với Malaysia, gồm Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia.

AMF lần đầu tiên được đề xuất bởi Nhật Bản vào năm 1997 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, ý tưởng đã không thành hiện thực và chưa bao giờ được thực hiện.

Ông Ahmad cho rằng AMF có thể trở thành hiện thực trong giai đoạn tới với sự hợp tác tài chính của các nước châu Á. Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của Malaysia là hợp tác với các nước khác để cải thiện những cơ chế hiện hành và tiến hành nghiên cứu sâu hơn.

Việc quyết định quốc gia nào sẽ là nước chủ trì trong Sáng kiến thành lập AMF phụ thuộc vào thỏa thuận của 68 quốc gia trong khu vực châu Á.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia cũng cho biết thêm một vài sáng kiến đã được thực hiện để củng cố năng lực tài chính của quốc gia và tiềm năng kinh tế của các nước châu Á, trong đó có Sáng kiến Chiang Mai về hợp tác đa phương giữa các quốc gia (CMIM).

CIMM là sự trao đổi tiền tệ giữa ASEAN +3, cho phép các nước trong khu vực được chia sẻ việc sử dụng quỹ tiền tệ nếu một trong các nước trải qua cuộc khủng hoảng tài chính. Sự hợp tác này cũng được củng cố thông qua việc thiết lập viện giám sát kinh tế khu vực – Văn phòng nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN +3.

Tại phiên họp, ông Ahmad cũng cho biết rằng ở mức độ ASEAN, Malaysia đã thực thi Dự thảo khung thanh toán đồng nội tệ giữa ba nước là Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Dự thảo này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước liên quan trong việc sử dụng đồng nội tệ trong trao đổi thương mại và đầu tư./.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quoc-hoi-malaysia-thao-luan-ve-kha-nang-thanh-lap-quy-tien-te-chau-a/295683.html