QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO VỀ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/2013/QH13
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm y tế. Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành cơ bản đã ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số. Năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 6,8% so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 4% so với năm 2019, ngoài công lập tăng 12,6%. Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong.
Năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 92,8%; thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã đạt 48,8%; đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 94,4%. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 45,6%.
Bên cạnh đó, ngành Y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc, 100% các huyện được kết nối, hỗi trợ chuyên môn và đã cứu sống nhiều bệnh nhân…Tiếp tục đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền và hoàn thiện các quy định pháp luật để đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.
Bộ Y tế đã ban hành các quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tạm thời chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá để không tác động người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vẫn còn chênh lệch chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân.
Bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế
Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tổng số thu quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn khó khăn trong công tác thu quỹ bảo hiểm y tế do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng theo quy định; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...Một số địa phương được giao dự toán chưa sát với thực tế chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định tổng mức thanh toán với các yếu tố xác định chưa phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó là còn có những vướng mắc trong tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thẩm định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh toán kinh phí tồn đọng. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân COVID-19 gặp nhiều khó khăn do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc cân đối Quỹ vẫn được bảo đảm do Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chi từ Quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên vẫn còn các khó khăn, thách thức cần giải quyết như số người tham gia bảo hiểm y tế tăng, nhưng phần lớn được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng theo mức lương cơ sở nên số thu vào quỹ thấp; Mức đóng không thay đổi trong khi phạm vi, quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng; Tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế.
Do đó, Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nợ tiền đóng, chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế để đảm bảo trong tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế. Cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền; Ban hành nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh.
Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 68/2013/QH13
Về kết quả thực hiện thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, trong đó một số kết quả nổi bật như: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt mức chỉ tiêu được giao, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao. Y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng. Trong thời gian qua, đã có tổng số 460 trạm y tế xã được xây mới, cải tạo sửa chữa. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm: năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng 83%, năm 2020 là 84,6%. Hệ thống bác sỹ gia đình được quan tâm phát triển. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68, đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình và các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở; Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có hiệu quả.
Sau khi nghe trình bày các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận theo tổ về nội dung này./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59754