QUỐC HỘI NGHE THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT DÂN QUÂN TỰ VỆ (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 06/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về Dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho hay, nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời đề nghị tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức, biên chế, cải cách chế độ tiền lương; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa yêu cầu xây dựng Dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, “chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp” nhưng cần tinh gọn về tổ chức, biên chế, thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các nội dung về Dân quân tự vệ trong Hiến pháp và Luật Quốc phòng năm 2018, nhất là về “xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp”; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tránh nhắc lại nội dung đã được các luật khác quy định.

Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, vì đây là nội dung cơ bản, làm căn cứ để xác định nhiệm vụ cụ thể và các nội dung khác có liên quan của dự thảo Luật.

Về tổ chức, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ (Điều 16), có ý kiến đề nghị nghiên cứu về tổ chức của Dân quân tự vệ để tránh “chính quy hóa” lực lượng này, không phù hợp với đường lối chiến tranh Nhân dân hoặc quy định cụ thể về điều kiện thành lập, quy mô tổ chức của đơn vị Dân quân tự vệ ngay trong luật để thực hiện cho thống nhất. Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị nghiên cứu quy định về tổ chức, mở rộng Dân quân tự vệ cho phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này; xây dựng theo hướng tinh gọn, tránh làm tăng kinh phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo

Về tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 17), một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp như dự thảo Luật là khó khả thi, vì theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nên việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khó bảo đảm phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng Tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước”. Có ý kiến đề nghị sửa lại Điều này theo hướng quy định cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp chưa tổ chức Tự vệ phải tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ ở địa phương. Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể hơn Điều này, bảo đảm tính khả thi, khắc phục những vướng mắc của Luật hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ của mình trong nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị làm rõ việc bổ sung các chức danh trong hệ thống chỉ huy Dân quân tự vệ và làm rõ cơ sở quy định chức vụ Thôn đội trưởng; về Ban chỉ huy quân sự cấp xã, thôn đội trưởng…

Chủ nhiệm Ủy Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng đề nghị Quốc hội thảo luận tập trung vào một số vấn đề như vị trí, chức năng và nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp; Ban chỉ huy quân sự cấp xã; chế độ, chính sách và nhiệm vụ chi cho Dân quân tự vệ và các nội dung khác của dự thảo Luật.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=40645