QUỐC HỘI NGHE TRÌNH BÀY DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chiều ngày 21/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc xây dựng dự án Luật đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các bước: thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập; xây dựng dự thảo; tổ chức các hội nghị hội thảo, gửi công văn xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thẩm định hồ sơ dự án Luật; trình Chính phủ cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua, cụ thể như sau:

Chính sách 1: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ). Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước. Nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách này được thể hiện theo hai phương án:

Phương án 1: Sửa đổi Điều 86, bổ sung các Điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ để quy định cụ thể về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và Công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được trao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì.

Phương án 2: Giữ nguyên quy định hiện hành. Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về nội dung này với những thông tin cụ thể hơn sẽ được trình bày ở phần sau.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Các quy định liên quan đến sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện; thành phần hồ sơ trong thủ tục đăng ký QTG, QLQ hoặc xác lập quyền sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch.

Chính sách 4: Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bổ sung một số trường hợp ngoại lệ và các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan; bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng QTG, QLQ; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; bổ sung quy định về giới hạn đối với quyền giữ giống của nông dân.

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, giám định SHTT để hỗ trợ có hiệu quả cho hệ thống SHTT.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định liên quan đến bảo vệ quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là: Xác định phạm vi xử phạt vi phạm hành chính; và (Thẩm quyền chủ động của hải quan trong việc áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới.

Đối với việc xác định phạm vi xử phạt vi phạm hành chính, nội dung này được thể hiện theo hai phương án trong Dự thảo Luật: Phương án 1 là sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 theo hướng chỉ duy trì biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với QTG, QLQ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành. Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về nội dung này với những thông tin cụ thể hơn sẽ được trình bày ở phần sau.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên hoặc các nội dung chưa được quy định trong Luật để thi hành theo cam kết quốc tế như bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, thẩm quyền của cơ quan hải quan…

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã rà soát các luật khác có nội dung liên quan như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Luật sư, Luật Trồng trọt, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan, Luật Cạnh tranh, Luật Công nghệ thông tin…

Những vấn đề xin ý kiến Quốc hội

Đề cập về những vấn đề xin ý kiến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cho biết về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Phương án 1: Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Phương án này được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với chủ trương “Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.

Nếu theo Phương án 1, sẽ dẫn đến sửa đổi Điều 86, bổ sung các Điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ như tại các khoản 36, 37, 63, 64 và 65 Điều 1 Dự thảo Luật. Đồng thời, để quy định việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì như trên, cũng cần phải sửa đổi quy định liên quan của Luật Khoa học và Công nghệ, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 41 để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ.

Ưu điểm của Phương án 1: Quy định này sẽ tạo động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền SHCN đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ SHCN và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền SHCN đó; đồng thời vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu KH&CN được bảo hộ SHCN sử dụng ngân sách. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhược điểm của Phương án 1: Để thực hiện Phương án 1 sẽ cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật (Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước).

Phương án 2: Giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.

Ưu điểm của Phương án 2: Phương án 2 không thay đổi các quy định hiện hành, đồng thời bảo đảm được nguyên tắc quản lý về tài sản: tài sản được tạo ra do Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước.

Nhược điểm của Phương án 2: Trong trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì tổ chức, cơ quan đó cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do là các cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, trong trường hợp để tổ chức chủ trì có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện việc giao quyền đăng ký kết quả nhiệm vụ KH&CN. Việc giữ nguyên quy định hiện hành sẽ không thể giải quyết được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì kịp thời thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường hợp; không thúc đẩy việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này, làm cho giá trị đầu tư của nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể “cởi trói” để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế. Khi xin ý kiến, đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với Phương án 1. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án nêu trên để xem xét, quyết định.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Phương án 1: Biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Nếu lựa chọn Phương án 1 sẽ dẫn đến sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ (được thể hiện tại Khoản 89 Điều 1 Dự thảo Luật).

Ưu điểm của Phương án 1: Đề xuất sửa đổi này đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy định pháp luật và không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền SHTT của các chủ thể có quyền SHTT do: Việc xử lý xâm phạm quyền đối với QTG, QLQ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng bằng biện pháp hành chính vẫn tiếp tục được các cơ quan bảo vệ quyền SHTT thực hiện - thừa nhận vai trò nhất định của biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong việc bảo đảm thực thi quyền SHTT và đáp ứng nhu cầu của xã hội; Việc xử lý xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường phức tạp, đòi hỏi tập trung nhiều nguồn lực, thời gian để thu thập chứng cứ, xác minh hành vi xâm phạm, không phù hợp với nguyên tắc “tiến hành nhanh chóng” của việc xử lý vi phạm hành chính; Giảm gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước và phù hợp với định hướng “tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về SHTT” đã được đề ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cũng như thực tiễn của các nước trên thế giới. Vì vậy, việc sửa đổi các quy định này cũng là xu thế tất yếu khi kinh tế - xã hội phát triển.

Nhược điểm của Phương án 1: Theo phương án này, các chủ thể quyền SHTT đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chịu các chi phí lớn hơn (về tài chính và thời gian) khi yêu cầu thực thi quyền, vì thông thường chi phí tố tụng dân sự (án phí, chi phí luật sư…) thường cao hơn so với chi phí để thực thi quyền bằng biện pháp hành chính (phần lớn chi phí trong thực thi quyền bằng biện pháp hành chính đã được Nhà nước chi trả).

Phương án 2: Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (điểm a khoản 1 Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Ưu điểm của Phương án 2: Ưu điểm của phương án này là vẫn duy trì hoạt động bảo vệ quyền SHTT như hiện tại, không gây xáo trộn hoặc thay đổi hệ thống bảo vệ quyền SHTT. Chi phí mà chủ thể quyền SHTT đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chi trả cho việc bảo vệ quyền thấp vì phần lớn chi phí này trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đã được Nhà nước chi trả.

Nhược điểm của Phương án 2: Việc giữ nguyên quy định theo phương án này không phù hợp với bản chất của hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho chủ sở hữu, cho tác giả do các hành vi này là các hành vi xâm phạm quyền dân sự, cần được xử lý bằng các biện pháp dân sự. Khi xin ý kiến, đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với Phương án 1. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án nêu trên để xem xét, quyết định.

Với Tờ trình tóm tắt về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59704