Tán thành bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về sự cần thiết của dự án Luật, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Tán thành việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí

Về quảng cáo trên báo in, Thường trực Ủy ban tán thành quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của độc giả, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng thể loại ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Quốc hội)

Về quảng cáo trên báo hình (khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22). Trong đó, thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, có 2 ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách, làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng diện tích quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%; và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đối với thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% vì thực tế người xem đã phải trả phí cho việc xem truyền hình trả tiền.

Về quảng cáo trên phim truyện, cơ bản tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đảm bảo số lần ngắt quảng cáo trong chương trình phim truyện hợp lý để bảo vệ quyền lợi của khán giả. Đồng thời, làm rõ các căn cứ để tăng tính thuyết phục việc sửa đổi quy định này.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu quy định về quản lý quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài.

Về quảng cáo trên mạng (khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), Thường trực Ủy ban tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng. Đồng thời, đề nghị làm rõ một số vấn đề.

Thứ nhất, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Thứ hai, thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 6 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn.

Thứ ba, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp.

Trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 5), Thường trực Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung, phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương trong thực hiện quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội.

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), Thường trực Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng. Đồng thời, tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Chia sẻ về quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã tổng kết thi hành 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Quốc hội)

Dự án Luật gồm 3 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Điều 2 bãi bỏ, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản của Luật Quảng cáo; Điều 3 về Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tan-thanh-bo-sung-quy-dinh-cu-the-ve-quang-cao-tren-mang-post1123624.vov