Quốc hội quyết định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Chiều 17-6, với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Một trong những điểm mới quan trọng là Quốc hội đã quyết định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trình bày báo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Một số ý kiến đề nghị không cấm mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả có 317/409 (chiếm 77.51%) đồng ý với phương án 1 (phương án Chính phủ trình), cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91/409 (chiếm 22.25%) đồng ý với phương án 2, không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Luật được thông qua đã tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định như Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).

92,34% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi)

92,34% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi)

Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật Đầu tư sửa đổi này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Điểm mới quan trọng khác là quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Theo đó, 448/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành điều này (chiếm 92,75% tổng số đại biểu Quốc hội) về việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định định kỳ 3 năm thực hiện đánh giá định lượng chi phí và lợi ích của việc cấp ưu đãi đầu tư trên toàn quốc làm căn cứ điều chỉnh xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, nội dung giám sát, đánh giá đầu tư. Hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đánh giá tổng thể đầu tư. Đây là một trong các căn cứ để xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.

Về ý kiến cho rằng quy định nếu có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác mà chỉ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư là chưa hợp lý, gây phức tạp cho áp dụng pháp luật đối với trường hợp luật ban hành sau có quy định khác với Luật Đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, sửa đổi quy định này.

Theo đó, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Đồng thời, bổ sung quy định đối với trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quoc-hoi-quyet-dinh-cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-197938.html