Quốc hội ra Nghị quyết 'gỡ khó' để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.

Chiều nay (16/6), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 475/482 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38%.

Đại biểu ấn nút biểu quyết.

Đại biểu ấn nút biểu quyết.

Sau khi được thông qua, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2022.

Cụ thể, nội dung Nghị quyết cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch. Chính phủ quy định chi tiết quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch; quy định các loại sơ đồ, bản đồ quy hoạch cần kèm theo hồ sơ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn. Việc này để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quy hoạch. Lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.

Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Nghị quyết nêu rõ, giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan. Xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.

Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội của đất nước.

Hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.../.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/quoc-hoi-ra-nghi-quyet-go-kho-de-day-nhanh-tien-do-lap-quy-hoach-post950821.vov