QUỐC HỘI SÁT VAI CÙNG CHÍNH PHỦ TRONG THỰC THI THUẾ TỐI THIẾU TOÀN CẦU

Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề 'mới nổi' sẽ tác động đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của Việt Nam - đã được Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 (Nghị quyết số 101/2023/QH15), thể hiện tầm nhìn xa, rộng của Quốc hội và tinh thần luôn kề vai sát cánh của cơ quan lập pháp với Chính phủ trong việc tìm đối sách cho những vấn đề cấp bách Quốc gia. Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu buộc chúng ta phải sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), điều này đòi hỏi Chính phủ cần sáng suốt, mềm mỏng nhưng kiên định trước những đòi hỏi về ưu đãi chính sách của các nhà đầu tư nước ngoài trước việc chúng ta thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sao cho phù hợp với thực tiễn ngân sách Nhà nước.

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu buộc chúng ta phải sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Trong thế giới phẳng, toàn cầu hóa kinh tế; với các biến cố diễn ra liên tiếp dẫn đến kinh tế thế giới đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích nghi, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử và gia tăng toàn cầu hóa dịch vụ, điều này định hình lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới. Trong bối cảnh đó, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế giữa các quốc gia và chống thất thu thuế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã khởi xướng và được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận để phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận nhằm đảm bảo tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.

Theo đó, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Các công ty đang hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% tại quốc gia đầu tư sẽ phải nộp bổ sung khoản chênh lệch tại nước đặt trụ sở chính. Theo nguyên tắc đã công bố, các quốc gia có thể không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng buộc phải công nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà quốc gia khác áp dụng.

Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá, qua đó góp phần tăng thu ngân sách. Cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu gây áp lực, nhưng quan trọng là tạo cơ hội, thúc đẩy chúng ta phải cải cách, hoàn thiện khung pháp lý của hệ thống thuế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tạo niềm tin, tăng cường hội nhập và nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu quan điểm, thực thi thuế tối thiểu toàn cầu buộc chúng ta phải sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng xóa bỏ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) bằng các giải pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề với mức lương cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Đây là các yếu tố quan trọng để nâng cao năng xuất lao động của nền kinh tế.

Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) về thuế TNDN không bị ảnh hưởng, nhưng toàn bộ số tiền ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI hiện tại sẽ được chính phủ các quốc gia sở hữu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thu về ngân sách của họ. Còn nếu áp dụng quy định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN.

Với việc Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây sẽ là yếu tố dẫn đến đổi mới thu hút dòng vốn FDI, tạo sức bật mới cho tăng.

Tổ hợp nhà máy Samsung tại Việt Nam

Tổ hợp nhà máy Samsung tại Việt Nam

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần làm gì để duy trì tính cạnh tranh?

Là một trong những quốc gia chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, việc thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai áp dụng sẽ khiến chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Khi thuế suất này được áp dụng, các công ty đang hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ đặt trụ sở. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo của Samsung Việt Nam, Việt Nam cũng được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung. Tuy nhiên, dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất, cần xây dựng các hình thức hỗ trợ mới để bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, Tổng giám đốc Samsung kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho DN FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình DN để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo

Tương tự, Công ty TNHH Canon cũng kiến nghị, Chính phủ Việt Nam trước tiên cần áp dụng chế độ nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu (QDMTT) và Việt Nam sẽ giành được quyền ưu tiên đánh thuế trước, song song với đó sẽ có những chính sách để hỗ trợ bù đắp cho các doanh nghiệp phải nộp phần thuế chênh sau khi thực hiện QDMTT để vừa đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam, đồng thời không gây xáo trộn cho các doanh nghiệp trong quá trình quyết định đầu tư

Từ những kiến nghị của các doanh nghiệp FDI, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần cân nhắc giải pháp hỗ trợ phù hợp, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp vào các chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ sản xuất những sản phẩm được ưu tiên thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các hoạt động giảm phát thải nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó.Các cơ quan quản lý cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines”, bà Cúc khuyến nghị. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, qua đó giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các doanh nghiệp đang gánh chịu. Ngoài ra, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm… giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chuyên gia Kinh tế TS Cấn Văn Lực

Chuyên gia Kinh tế TS Cấn Văn Lực

Chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách chính sách thuế toàn diện

Từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Ngay từ lúc này, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến chuyển động chính sách tương ứng tại Việt Nam để tính toán, cân nhắc ra quyết định đầu tư cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Cơ hội cho Việt Nam cũng lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, Theo TS Cấn Văn Lực, việc áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam. Tác động tích cực là góp phần giúp Việt Nam cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đặc biệt là giúp tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021 có 14.293 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo cũng sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, khiến sức cạnh tranh thu hút FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách thuế thay đổi. Một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn FDI là chính sách ưu đãi thuế.

TS Cấn Văn Lực dẫn lại số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của khu vực FDI ở mức khoảng 12,3%, thấp hơn so với mức thuế chung 20%. Thậm chí, các tập đoàn nước ngoài chỉ chịu thuế 2,75%-5,59% nhờ được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức thuế bổ sung tại quốc gia đặt trụ sở chính nếu được hưởng thuế suất tại Việt Nam thấp hơn 15%. Như vậy, chính sách ưu đãi thuế sẽ không còn tác dụng và Việt Nam mất đi một khoản ngân sách khá lớn, có thể tác động đến môi trường đầu tư.

Với dẫn chiếu của TS Cấn Văn Lực, cho thấy Việt Nam không thể chậm trễ điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư bởi tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam đã rất rõ ràng và cấp bách. Theo ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về áp dụng QDMT để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Còn theo TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi, làm cơ sở xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh toàn cảnh về tác động của chính sách mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp. Khi các chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng, chúng ta phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ít rủi ro, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.Thuế tối thiểu toàn cầu đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức vì đây là chính sách mới. Chủ động tham gia vào “cuộc chơi” sẽ là cách tốt nhất để Việt Nam không bị bỏ lại phía sau.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cũng đưa ra góc nhìn lạc quan và cho rằng việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội để cải cách chính sách thuế mới, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế theo hướng sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, qua khảo sát cho thấy, chính sách và quy định không rõ ràng, khó khăn về thủ tục hành chính và thủ tục visa là những rào cản lớn nhất để doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. hiện Khó khăn về thủ tục hành chính là yếu tố lớn nhất, chiếm tỷ trọng 70% nên Việt Nam cần phải cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cải thiện về thủ tục visa và cho phép chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng ngày càng quan trọng, chiếm 47% những yếu tố để thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là các yếu tố về phát triển về cơ sở hạ tầng (chiếm 53%), phát triển, đào tạo nguồn nhân lực (chiếm 35%), phát triển về tăng trưởng xanh (chiếm 29%). Đặc biệt, yếu tố ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đứng gần cuối danh sách những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài (chỉ chiếm 28%). Ngoài ra, chính sách này sẽ giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế. Để thích ứng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 tới đây, hiện nay, Tổng cục Thuế tham mưu cho Bộ Tài chính tổ chức và phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp để triển khai các phương án khả thi. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho Bộ Tài chính hệ thống các văn bản của Quốc hội, Chính phủ quy định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo đúng hướng dẫn của OECD như: quy định mẫu, tài liệu diễn giải, hướng dẫn hành chính, hướng dẫn quy định miễn trừ và giảm phạt và các văn bản quy định chi tiết khác do Diễn đàn hợp tác chung OECD/G20 về quy định chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ban hành. Trong đó, tập trung đề xuất áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Với yêu cầu của QH đưa thuế tối thiểu toàn cầu vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm vừa qua, sẽ giúp Chính phủ có căn cứ, sớm nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, sớm trình Quốc hội thảo luận để có giải pháp phù hợp nhất, thể hiện tinh thần Quốc hội luôn đồng hành cùng chính phủ, trong tiến trình nâng cao năng lực dự báo và hoạch định chính sách, từ đó nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78718