Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và 10 dự án Luật khác tại kỳ họp thứ 7

Sáng 19/5, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp.

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Tại họp báo, thông tin về chương trình và nội dung kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/5/2024, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024; Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.

Để tổ chức thành công Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình và các điều kiện bảo đảm tổ chức hiệu quả Kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền; Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đảm bảo quyền lợi tối ưu của người đóng Bảo hiểm xã hội trước và sau khi cải cách tiền lương

Tại phiên họp, trả lời báo chí về những băn khoăn liên quan đến việc thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi tại Kỳ họp thứ 7, ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, dự án Luật BHXH sửa đổi là dự án Luật khó, phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu, thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội trong cả nước.

Ủy ban Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là vấn đề BHXH một lần.

"Thời điểm thông qua Luật theo kế hoạch đặt ra phấn đấu sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên việc xem xét thông qua dự án Luật thuộc quyết định của Quốc hội dựa trên căn cứ, cơ sở ý kiến phát biểu thảo luận của ĐBQH tại hội trường", ông Lâm Văn Đoan cho hay.

Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin tại họp báo.

Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin tại họp báo.

Liên quan đến vấn đề căn cứ đóng BHXH là vấn đề liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương, theo ông Lâm Văn Đoan, hiện nay Chính phủ đã báo cáo gửi sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đề xuất của Chính phủ tính toán điều chỉnh làm sao đảm bảo quyền lợi tối ưu lúc trước và sau khi cải cách tiền lương, không có sự khoảng cách quá xa giữa người đang hưởng tiền lương mới được nghỉ hưu và người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024 là vấn đề khó, đòi hỏi cần phải có sự nghiên cứu thận trọng. Ủy ban Xã hội đã phối hợp với các cơ quan để tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội, các ĐBQH phương án tối ưu nhất đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về mức tham chiếu để tính BHXH, ông Lâm Văn Đoan cho hay theo Nghị quyết 28 thì khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở. Mức lương này được sử dụng làm căn cứ đóng BHXH, hưởng lương hưu trợ cấp xã hội, và nhiều chính sách khác ở trong Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật Việc làm. Nhưng đến 1/7/2024 mức lương cơ sở theo Nghị quyết 28 sẽ bãi bỏ và thay bằng mức điều chỉnh mới gọi là mức tham chiếu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, hiện Chính phủ đang tính toán các phương án để làm sao không thấp hơn mức lương cơ sở. Hiện các cơ quan của Quốc hội cũng đã tiến hành xem xét xem xét, tính toán toàn diện vấn đề này. Vì đây là vấn đề tác động rộng rãi tới người lao động và người nghỉ hưu.

"Do vậy việc tính tham chiếu cùng với hệ số nhân với nó cụ thể như thế nào tại thời điểm cải cách tiền lương cũng như áp dụng cho những năm tiếp theo cần đòi hỏi tính toán chặt chẽ làm sao cho người nghỉ hưu cũng như người đang làm việc có hưởng quyền lợi tối ưu sau khi Luật BHXH được ban hành", ông Lâm Văn Đoan nói.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/quoc-hoi-se-cho-y-kien-ve-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-va-10-du-an-luat-khac-tai-ky-hop-thu-7-20240519091843411.htm