Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Hôm qua, ngày 2-11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ bảy, QH tiếp tục đợt họp thứ hai - họp tập trung tại Nhà QH.

Đại biểu QH thành phố Hải Phòng và các tỉnh Lạng Sơn, Gia Lai thảo luận tại tổ. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Đại biểu QH thành phố Hải Phòng và các tỉnh Lạng Sơn, Gia Lai thảo luận tại tổ. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Hôm qua, ngày 2-11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ bảy, QH tiếp tục đợt họp thứ hai - họp tập trung tại Nhà QH.

Mở đầu phiên họp buổi sáng tại hội trường, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng toàn thể các đại biểu QH dành một phút mặc niệm đồng bào tử nạn do lũ lụt và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong đợt mưa lũ lớn xảy ra ở các tỉnh miền trung vừa qua.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, nêu rõ: Theo chương trình, QH tiếp tục tiến hành đợt họp thứ hai của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV. Ðến nay, kỳ họp thứ 10 đã đi được một phần ba chặng đường (với sáu ngày làm việc, rút ngắn được một ngày so với dự kiến ban đầu), hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt một, việc họp trực tuyến được tổ chức thực hiện chu đáo, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. QH đã thảo luận về bảy dự án luật, hai dự thảo nghị quyết, các báo cáo về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng năm 2020; nghe trình về bốn dự án luật khác, các báo cáo về kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước (NSNN), cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kết quả thực hiện Nghị quyết số 100 của QH phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín và Báo cáo về hoạt động đối ngoại của QH trong Năm Chủ tịch AIPA.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại đợt hai của kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung rất quan trọng. QH sẽ thông qua các Nghị quyết kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Nghị quyết kỳ họp... trong đó những chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế vượt qua các khó khăn do thiên tai, đại dịch gây ra; QH sẽ xem xét quyết định các vấn đề về nhân sự (bãi nhiệm đại biểu QH với ông Phạm Phú Quốc, miễn nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ và phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). QH tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Ðồng thời, tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và một số nội dung quan trọng khác.

Tiếp đó, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ Báo cáo tóm tắt về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An; nghe Báo cáo thẩm tra đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng nêu trên. Báo cáo thẩm tra cho biết, dự án hồ chứa nước Sông Than và dự án hồ chứa nước Bản Mồng cơ bản phù hợp các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (giai đoạn 2011 - 2020; quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016 - 2025; phù hợp quy hoạch thủy lợi của các địa phương, của tỉnh, quy hoạch thủy lợi khu vực miền trung giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050; phù hợp Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho rằng, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết tốt nhu cầu về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và dân sinh, cải thiện điều kiện hạ tầng thiết yếu cho phát triển KT-XH của hai huyện miền núi thường xuyên chịu khô hạn của tỉnh Ninh Thuận, vùng tây Nghệ An và nam Thanh Hóa; góp phần điều tiết nước, cắt giảm lũ, phòng chống thiên tai; từng bước giải quyết nhu cầu thiếu nước và khép kín hệ thống công trình thủy lợi...

Cuối phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2020; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của QH về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn...

Ðề cập đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2020; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, các đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), Phan Thái Bình (Quảng Nam) và nhiều đại biểu cho rằng, năm 2020, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đợt bão, lũ lụt lớn xảy ra liên tiếp ở miền trung, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân… Song dưới sự lãnh đạo của Ðảng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có nhiều giải pháp thiết thực, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, do vậy đã đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ được tăng trưởng kinh tế, nhất là thành công trong việc khống chế dịch Covid-19; nông nghiệp là điểm sáng trong thời gian qua; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tạo niềm tin của nhân dân với Ðảng, cả nước đồng lòng vượt khó…; được các nước bạn bè trên thế giới và khu vực cũng như truyền thông quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, thời gian tới, số doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 còn lớn, xu hướng nghèo hóa tăng, giảm lương ở một số ngành, người lao động phải chi tiêu "thắt lưng, buộc bụng"... Do vậy, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương có những giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế vượt qua các khó khăn do thiên tai, đại dịch gây ra; tập trung bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong đó, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, phát huy các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước để khai thông, triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Chiều qua, sau khi kết thúc một số nội dung họp nội bộ, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) (sửa đổi). Ðể khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi lần này đã cụ thể hóa ba nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án luật.

Thảo luận tại tổ, một số đại biểu: Phan Thị Mỹ Dung (Long An), Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận), Nguyễn Tạo (Lâm Ðồng), đề cập và lưu ý những nội dung về quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; xây dựng quy định về PCMT bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ða số các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật là cấp thiết, giúp giải quyết những bất cập, hạn chế qua thực tiễn thi hành Luật PCMT năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), theo đó một số quy định của luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… Một trong những nội dung được quan tâm là dự thảo luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện, qua đó huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này. Thực hiện tốt sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/quoc-hoi-se-xem-xet-quyet-dinh-nhieu-noi-dung-quan-trong-623005/