Quốc hội Thái Lan tước tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita

Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha ngày 19/7 thông báo Quốc hội đã bỏ phiếu tước tư cách ứng viên thủ tướng của lãnh đạo đảng Tiến lên (Move Forward - MFP) Pita Limjaroenrat trước vòng bỏ phiếu thứ hai.

Lãnh đạo đảng Tiến lên (Move Forward - MFP) Pita Limjaroenrat bị tước tư cách ứng viên thủ tướng. Ảnh: AFP

Lãnh đạo đảng Tiến lên (Move Forward - MFP) Pita Limjaroenrat bị tước tư cách ứng viên thủ tướng. Ảnh: AFP

Bangkok Post đưa tin, thông báo trên được Chủ tịch Hạ viện Thái Lan đưa ra sau khi 715 nghị sĩ đã bỏ phiếu về tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita theo hình thức điện tử diễn ra vào khoảng 17h10'.

Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy, 395 nghị sĩ phản đối việc tái đề cử ông Pita, 312 nghị sĩ ủng hộ, 8 người bỏ phiếu trắng và 1 người không bỏ phiếu. Trong khi đó, ông Pita cần ít nhất 375 phiếu ủng hộ. Với kết quả này, ông Pita đã bị tước tư cách ứng viên thủ tướng.

Các nghị sĩ trong phiên họp Quốc hội ngày 19/7. Ảnh: Bangkok Post

Các nghị sĩ trong phiên họp Quốc hội ngày 19/7. Ảnh: Bangkok Post

Tổng thư ký đảng Tiến lên Chaitawat Tulathon cho biết sau cuộc họp rằng kết quả cuộc bỏ phiếu không nằm ngoài dự đoán, đồng thời cho biết thêm rằng đảng này và Pheu Thai sẽ thảo luận sau đó về việc đề cử một ứng cử viên mới.

Trước đó, Tòa án Hiến pháp sáng nay đã ra thông báo đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita sau khi thụ lý vụ kiện của Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) với cáo buộc rằng ông Pita vi phạm luật bầu cử.

EC tuyên bố có đủ bằng chứng rằng ông Pita sở hữu 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông ITV khi ông tranh cử. Theo Luật bầu cử Thái Lan, các ứng viên nghị sĩ không được nắm giữ cổ phần trong công ty truyền thông.

Tuy nhiên, ông Pita đã phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng ITV không còn là công ty truyền thông từ năm 2007 và số cổ phần công ty là được thừa kế từ người cha. Ông cho biết đã chuyển giao số cổ phần này cho người thân để tránh trường hợp công ty được hồi sinh thành doanh nghiệp truyền thông và khiến ông bị tước tư cách nghị sĩ.

Hôm 18/7, ông Pita đã cảnh báo rằng kịch bản Quốc hội bỏ phiếu tước tư cách ứng viên của ông sẽ tạo ra tiền lệ xấu.

Trước khi bỏ phiếu tước tư cách ứng viên của ông Pita, các nghị sĩ Quốc hội đã họp và thảo luận nhiều giờ về vấn đề này ngay sau khi khai mạc cuộc họp vào lúc 9h30 sáng.

Những người phản đối ông Pita viện dẫn quy định số 49 của Quốc hội về việc cấm gửi lại một kiến nghị không thành công cho Quốc hội trong cùng một kỳ họp. Họ cho biết việc ông Pita đã thất bại trong lần bỏ phiếu tuần trước và không có diễn biến mới nào có thể biện minh cho việc đề cử lại.

Người ủng hộ ông Pita biểu tình ở bên ngoài Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Bangkok Post

Người ủng hộ ông Pita biểu tình ở bên ngoài Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Bangkok Post

Trong khi đó, những nghị sĩ ủng hộ lãnh đạo đảng Tiến lên cho rằng quy định áp dụng cho các vấn đề kiến nghị chứ không phải cho việc đề cử thủ tướng. Họ nói rằng đây là đề cử, không phải là kiến nghị. Họ cũng kêu gọi các nghị sĩ nên tôn trọng sự lựa chọn của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử.

Đảng Tiến lên của ông Pita đã giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5, từ đó có quyền đầu tiên được thành lập chính phủ. Sau đó, ông Pita đã thành lập liên minh 8 đảng, bao gồm đảng Pheu Thai (đảng giành nhiều ghế thứ 2 trong Hạ viện).

Mặc dù liên minh của ông tập hợp được 312 ghế – tương ứng với 312 phiếu bầu, nhưng vẫn chưa đủ 376 phiếu bầu cần thiết để thành lập chính phủ mới tại Thái Lan và đưa ông Pita trở thành tân thủ tướng. Hôm 13/7, ông đã thất bại trong lần bỏ phiếu đầu tiên khi chỉ giành được 324 phiếu ủng hộ.

Việc ông Pita bị tước nỗ lực tranh cử ghế thủ tướng trước vòng bỏ phiếu thứ hai cũng đồng thời mở ra cơ hội cho các thành viên chủ chốt tại các đảng khác trong liên minh. Đảng Tiến lên và đảng Pheu Thai sẽ sắp xếp cuộc họp để quyết định bước đi tiếp theo.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quoc-hoi-thai-lan-tuoc-tu-cach-ung-vien-thu-tuong-cua-ong-pita-post24419.html