Quốc hội thảo luận ở tổ và thảo luận trực tuyến về 2 dự án luật và các báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng
Trong ngày làm việc thứ 4 (23/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật; thảo luận trực tuyến về các báo cáo phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam.
Trong ngày làm việc thứ 4 (23/10), Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án Luật; thảo luận trực tuyến về các báo cáo phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham dự trực tuyến tại điểm cầu Hà Nam.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, ngày 23/10, buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Trên cơ sở các tờ trình, báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại điểm cầu Hà Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tỉnh đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào hai dự án luật sửa đổi này. Các ý kiến đều nhất trí cao với việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời đề xuất QH nghiên cứu sửa đổi một số nội dung cụ thể để luật hoàn thiện hơn.
Về Luật Điện ảnh (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh đề nghị nghiên cứu bổ sung vào khoản 2, Điều 10 dự thảo Luật các hành vi nghiêm cấm như: cấp Giấy phép hợp tác thực hiện dự án sản xuất phim, cung cấp dịch vụ thực hiện dự án sản xuất phim; giấy phép phổ biến, phát hành phim cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của Luật này; làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, cho thuê, mượn Giấy phép; làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy phép phổ biến và phân loại phim, Giấy phép cung cấp dịch vụ thực hiện dự án phim. Tại khoản 4, Điều 15 về việc sản xuất phim bằng nguồn nhân sách Nhà nước, các ĐBQH tỉnh đề xuất chọn phương án 02 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có nội dung khác) vì hiện nay kinh tế thị trường phát triển, các hãng phim tư nhân có năng lực tổ chức sản xuất phim ngày càng nhiều nên việc phân định rõ như phương án 02 sẽ bảo đảm được sự cạnh tranh công khai, minh bạch, đồng thời sẽ nâng cao chất lượng, nội dung của các tác phẩm, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa và kinh tế xã hội.
Có ý kiến cho rằng: thực tế vừa qua khi một số bộ phim khi phát hành đã ảnh hưởng đến công tác nghiệp vụ của một số lực lượng, cơ quan chức năng và gây dư luận xã hội không tốt. Mặt khác, phương thức hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trong đó có việc lợi dụng các tình tiết của các bộ phim để thực hiện các hành vi phạm tội. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đối với các bộ phim có nội dung liên quan đến nghiệp vụ của các ngành nhất là Công an, Quân đội, Tài chính, Ngân hàng, Tòa án, ... cần phải có sự cố vấn của các chuyên gia trong các lực lượng này trước khi bộ phim đi vào sản xuất, tránh lãnh phí ngân sách và ảnh hưởng đến nghiệp vụ của các ngành, lĩnh vực…
Về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh cho rằng: thực tiễn thi hành Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành thấy rằng hồ sơ, thủ tục khi đề nghị khen thưởng thành tích có nội dung bí mật Nhà nước còn nhiều bất cập, các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải báo cáo thành tích theo mẫu tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (trong đó có nêu rõ thành tích) nên tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước cao. Tại Điều 84 dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp “khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước” được đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản. Do đó, để bảo đảm chặt chẽ, hạn chế nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước, cần bổ sung nội dung quy định về hồ sơ, thủ tục đơn giản đối với trường hợp đề nghị khen thưởng thành tích có nội dung bí mật Nhà nước. Tại điểm c, mục 1, Điều 24 dự thảo Luật Quy định: Tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị Quyết thắng phải có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” là chưa phù hợp với thực tế của từng đơn vị, địa phương. Thực tiễn khi xét duyệt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng tại lực lượng Công an các đơn vị, địa phương nhiều năm nay vẫn luôn gặp vướng mắc đối với quy định này, nhất là những đảng bộ có quân số đông trên 300 cán bộ chiến sĩ, trong đó năng lực, trình độ cán bộ ở các cấp chưa đồng đều, quá trình thực hiện nhiệm vụ khó tránh được yếu tố chủ quan, khách quan mang lại có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hạn chế trong công việc. Với những tập thể đông quân số như trên, để bảo đảm tiêu chuẩn 100% cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao là không khả thi. Vì vậy, đề nghị không quy định tỷ lệ này hoặc nếu có chỉ nên để ở mức 90%. Tại khoản 1, Điều 60 của dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho cá nhân đạt các tiểu chuẩn như: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có hành động anh hùng, dũng cảm, mưu trí, hy sinh quên mình, đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, được nêu gương trong toàn quốc; có sáng kiến, giải pháp hoặc công trình nghiên cứu có giá trị đặc biệt được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động quân sự, an ninh hoặc kinh tế - xã hội đem lại hiệu quả thiết thực trong toàn quốc... Với quy định trên, đối với cá nhân, để có thể đạt được cả hai tiêu chuẩn trên thì tính khả thi không cao vì: “có hành động anh hùng, dũng cảm, mưu trí, hy sinh quên mình.” là thành tích của lực lượng chiến đấu và “Có sáng kiến, giải pháp hoặc công trình nghiên cứu...” là thành tích của lực lượng phục vụ chiến đấu. Do vậy, đề nghị nghiên cứu gộp Điểm a vào Điểm b và dùng từ a “hoặc” giữa hai tiêu chuẩn để quy định có tính khả thi. Vì vậy đề nghị chuyển nội dung tại khoản 4, Điều 91 về quỹ thi đua khen thưởng lên nội dung tại Điều 12 của dự thảo luật về các hành vi bị nghiêm cấm cho phù hợp…
Buổi chiều, Quốc hội nghe các báo cáo, báo cáo thẩm tra, tờ trình dự thảo nghị quyết về: công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến./.