Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự thảo nghị quyết
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ xung quanh dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư.
Các ĐBQH tỉnh Bắc Giang tham gia tổ thảo luận số 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nghệ An, Quảng Ngãi. Đại biểu Thái Thanh Quý, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận.
Tại đây, đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Việc ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng đã đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 96-KL/TW ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng cũng phù hợp với xu hướng về tổ chức chính quyền đô thị đã và đang được áp dụng tại 3/5 thành phố trực thuộc T.Ư theo các luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian qua.
Các đại biểu tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự đổi mới đột phá trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp với từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Việc thành lập thành phố trực thuộc T.Ư không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Thừa Thiên Huế mà còn là niềm tự hào chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, ghi nhận thành quả phấn đấu, phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời kỳ đổi mới. Khu vực dự kiến thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc T.Ư theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị làm rõ thêm những khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, chẳng hạn việc tổ chức chính quyền đô thị: Hiện nay, phần lớn các thành phố trực thuộc T.Ư đều đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình đã được điều chỉnh khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, do đó, khi thành phố Huế trực thuộc T.Ư được thành lập, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn về định hướng phát triển mô hình chính quyền đô thị để bảo đảm hiệu quả hoạt động. Đại biểu Trần Văn Lâm đề xuất là nếu đủ điều kiện thì có thể trình Quốc hội quyết nghị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư và tổ chức và vận hành theo mô hình chính quyền đô thị ngay tại Nghị quyết lần này.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính qyuền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng cũng phù hợp với xu hướng về tổ chức chính quyền đô thị đã và đang được áp dụng tại 3/5 thành phố trực thuộc T.Ư theo các luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các nội dung về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần được quy định bằng luật. Mặt khác, các thành phố trực thuộc T.Ư đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương nêu trên, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước.
Theo dự kiến, Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc T.Ư có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.
Tiến Hòa
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-to-ve-2-du-thao-nghi-quyet-145234.bbg