Quốc hội thảo luận Tổ về nhiều dự án Luật được trình tại kỳ họp
Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với luật hiện hành để đảm bảo tính thống nhất
Tại Tổ thảo luận số 11 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long), tham gia góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung theo Tờ trình của Chính phủ.
Tán thành việc bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã có những phân tích cụ thể với nội dung này.
Theo đại biểu, việc đưa thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án vào hệ thống hình phạt sẽ tạo ra một công cụ pháp lý để áp dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, khi mà hình phạt tử hình được xem xét thay thế, nhưng đồng thời vẫn cần đảm bảo tính răn đe và không tước đi quyền sống của người phạm tội. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị, đã là tù chung thân không xét giảm án thì không nên quy định tiếp tục được xem xét giảm xuống hình phạt tù có thời hạn. Vì như vậy sẽ không còn giữ được bản chất nghiêm khắc của hình phạt này, đã gọi là “không xét giảm án” nhưng rồi lại có thể được ân giảm xuống tù có thời hạn sẽ làm mất đi tính thống nhất và nghiêm minh của hệ thống hình phạt.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, liên quan đến quy định tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 37 luật hiện hành “Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (Phó Trưởng Công an cấp xã) được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra”. Đây là nội dung mới, được cơ quan soạn thảo đề xuất và phù hợp với chủ trương mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới. Tuy nhiên, có những nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn với các nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật (Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không giao cho Điều tra viên là Trưởng Công an xã (Phó Trưởng Công an xã) có thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này; quyền quyết định khám xét…). Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật và Luật hiện hành để đảm bảo tính khả thi, thống nhất.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực, đại biểu Thủy cho rằng, việc giao TAND khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, cơ cấu lại hệ thống Tòa án và nâng cao chất lượng xét xử của ngành trong thời gian tới; đồng thời cũng tránh dồn án lên cơ quan tố tụng cấp trung ương (TAND tối cao, VKSNS tối cao), để các cơ quan này có thời gian nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn cho các cơ quan tố tụng cấp dưới./.