Quốc hội thảo luận về Chính sách với vùng dân tộc thiểu số

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 1/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường vềĐề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.Đại biểu Cao Thị Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng BìnhĐại biểu Nguyễn Phước Lộc, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc xem xét quyết định Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là rất cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa chính trị quan trọng; Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành một chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Đề án tổng thể.

Đại biểu Cao Thị Giang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng, cần chú trọng tác động để kích thích nội lực của người dân vùng dân tộc thiểu số, tránh việc làm hộ, làm thay.

“…chủ trương, chính sách trong ban hành nghị quyết cần đề cập chú trọng vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông; có các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất; chú trọng đến việc hưởng lợi chung. Khi điều kiện sống của đồng bào đã được đáp ứng một cách cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế xã hội cần chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục; đồng thời tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tránh nguồn lực bị phân tán như trong thời gian qua”.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng Đề án cần đặt trong tổng thể gắn liền với phát triển kinh tế xã hội bền vững, với các giải pháp trọng yếu.

“cần phát triển kinh tế lâm nghiệp và các dự án sản xuất tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân gắn với hỗ trợ đất ở, cải thiện nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn bản, đơn vị sự nghiệp công lập liên quan đến lĩnh vực dân tộc, gắn với bảo tồn phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch; nghiên cứu về sự phân hóa chính sách phù hợp với từng nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số gắn với bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”

Ý kiến các đại biểu đều thống nhất, đây là Đề án có tầm nhìn dài hạn 10 năm, tiến đến 2030, là năm Việt Nam cần đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững theo cam kết với Liên hợp quốc. Do đó, các mục tiêu của Đề án được xác lập cần đảm bảo khả thi để được thực hiện bền bỉ, kiên trì, thống nhất thực hiện qua hai nhiệm kỳ, với nội dung hàm chứa mục tiêu tầm nhìn, đồng thời thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-chinh-sach-voi-vung-dan-toc-thieu-so