Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; là bước tiến mới trong chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền làm chủ của Nhân dân; trên cơ sở đó hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về phạm vi của dự thảo Luật, cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, thanh tra nhân dân và các nội dung quan trọng khác mà các đại biểu quan tâm.

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Cầm Hà Chung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh “Dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội”.Quan tâm về nội dung quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, đại biểu Cầm Hà Chung cho biết, dự thảo Luật quy định: “Khi cần thiết, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định.” Theo đại biểu, quy định này vô hình trung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng được giám sát, chưa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. Đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định này để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu cho biết, báo cáo tổng kết thi hành pháp luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy, nhiều nơi còn hình thức, nhất là đối với các nội dung, hình thức mà chính quyền, cơ quan chức phải công khai để người dân, người lao động được bàn luận, tham gia ý kiến. Một trong các nguyên nhân là do trách nhiệm của tập thể, cá nhân quy định trong văn bản pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ. Để khắc phục bất cập trên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức trong các khâu thực hiện dân chủ cơ sở của chính quyền cấp trên cơ sở cho việc đảm bảo các quy định, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của UBND các cấp trong việc đảm bảo các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm làm chủ của mình. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ và đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện dân chủ cơ sở, nhấn mạnh khâu chủ động đề xuất các vấn đề nhân dân, người lao động quyết định, tham gia ý kiến…

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua hai nghị quyết về việc Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023: (1) Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; (2) Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so/184887.htm