QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): CẦN TRAO CHO TỔ HỢP TÁC TƯ CÁCH PHÁP NHÂN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 25/5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết bổ sung tổ hợp tác trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị bổ sung quy định tổ hợp tác có tư cách pháp nhân nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của tổ hợp tác, cung như quy định rõ những nội dung liên quan đến tổ hợp tác bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự để tránh tình trạng phát sinh thêm các thủ tục hành chính.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, khi thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí cần thiết bổ sung tổ hợp tác trong dự thảo Luật. Tuy nhiên quy định về tổ hợp tác trong dự thảo Luật còn khá mờ nhạt; đề nghị quy định rõ những nội dung liên quan đến tổ hợp tác bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự để tránh tình trạng phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định tổ hợp tác có tư cách pháp nhân vì tổ hợp tác cũng ký kết hợp đồng với các tổ chức có tư cách pháp nhân khác; quy định như tại dự thảo Luật về việc tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân sẽ không phù hợp với Bộ luật Dân sự và có thể gây khó khăn cho hoạt động của tổ hợp tác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này nêu rõ: việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”. Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự, nên dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác không trái với quy định của Bộ luật Dân sự như khái niệm về tổ hợp tác, thành lập và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác, việc chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã và chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lý giải do tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác nên đây là tổ chức không có tư cách pháp nhân và phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự; khi tổ hợp tác tham gia ký kết với các tổ chức kinh tế khác thì tổ hợp tác sẽ cử người đại diện theo pháp luật tham gia ký kết.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đề nghị đưa tổ hợp tác thực hiện đúng và phải có tư cách pháp nhân. Theo đại biểu, nếu tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân sẽ rất khó hoạt động, nhất là việc ký kết hợp đồng lao động, ký kết hợp tác với những đối tác khác, đối với những doanh nghiệp khác, tổ hợp tác ký kết hợp đồng đối với hợp tác xã, đối với doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Có cùng đề nghị, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu rõ đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên có quy định tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân, bởi vì trong luật đã đưa vào đối tượng áp dụng, trong đó có bao gồm tổ hợp tác và các thành viên của tổ hợp tác. Vì vậy, việc cân nhắc quy định lại nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của tổ hợp tác.

Đại biểu cho biết thêm, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định đối tượng áp dụng không có tổ hợp tác nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 10/10/2019 quy định chi tiết về tổ hợp tác như thành lập, tổ chức hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Theo dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã đưa tổ hợp tác vào đối tượng áp dụng. Vì vậy, để đảm bảo quy định thống nhất trong luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung quy định về tổ hợp tác tại các điều khoản trong luật giống như hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Ví dụ như tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 cần bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ và người đại diện theo pháp luật của tổ hợp tác.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định về địa vị pháp lý của tổ hợp tác chưa rõ. Mặc dù Chương IX dự thảo Luật quy định về tổ hợp tác với tư cách là một tổ chức kinh tế hợp tác theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW nhưng còn mờ nhạt, gồm 3 điều từ Điều 107 đến 109 chưa rõ về tư cách pháp lý. Trong khi đó khoản 21 Điều 4 dự thảo Luật quy định tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Như vậy, tổ hợp tác sẽ gặp khó khăn, bất lợi trong hoạt động, nhất là tham gia các hợp đồng kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định chưa rõ về đăng ký thành lập tổ hợp tác. Khoản 2 Điều 107 dự thảo Luật quy định tổ hợp tác khi có góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh, khuyến khích tổ hợp tác khác đăng ký. Đại biểu Vũ Thị Liên Hương phân tích, quy định như trên sẽ xuất hiện hai trường hợp: Tổ hợp tác có đăng ký và tổ hợp tác không có đăng ký thành lập. Việc này có thể dẫn đến công tác quản lý nhà nước sẽ gặp khó khăn, phức tạp, đồng thời, ảnh hưởng đến điều kiện chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã sau này. Do đó, dự thảo Luật nên quy định bắt buộc tổ hợp tác phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh.

Liên quan đến quy định về thủ tục đăng ký đối với tổ hợp tác, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa phù hợp. Đại biểu cho biết, dự thảo Luật hiện nay quy định theo hướng đối với các tổ hợp tác có góp vốn và tổ hợp tác đó có hợp đồng mà hợp đồng đó là không thời hạn hoặc là thời hạn từ 12 tháng trở lên thì phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh. Đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu rõ, hiện nay chúng ta có hơn 100.000 tổ hợp tác, khoảng 101.000 và 1,4 triệu thành viên. Từ năm 1995 khi quy định trong Bộ luật Dân sự cho đến Bộ luật Dân sự 2005, quy định tổ hợp tác khi thành lập thì có hợp đồng và chỉ phải chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, do thực tiễn thấy quản lý bằng cách đó, thủ tục đó không cần thiết, không phù hợp, cho nên Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ thủ tục chứng thực này, tức là không có thủ tục hành chính liên quan đến việc ra đời và hoạt động của tổ hợp tác.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Sau này khi thấy cần phải có một biện pháp để nhà nước nắm được thông tin, theo dõi, quản lý, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2020/NĐ-CP quy định các tổ hợp tác khi có hợp đồng thành lập thì thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong tổng kết chúng ta đánh giá đến nay có khoảng 30% các tổ hợp tác có thông báo, còn 70% không nắm được thông tin.

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, nếu nay dự thảo Luật lại quy định theo hướng yêu cầu những tổ hợp tác với các điều kiện vừa nêu phải thực hiện thủ tục hành chính là đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là không thuyết phục. Đại biểu làm rõ, chúng ta chưa có đánh giá tác động, đối tượng sẽ bị tác động thế nào, cơ quan thực hiện thủ tục như thế nào, đặc biệt là chi phí thực hiện thủ tục cả về thời gian và chi phí mà các thành viên tổ hợp tác phải bỏ ra. Do đó cần phải xem xét kỹ thêm.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng không nên quy định thủ tục đăng ký này. Trước mắt, đã có những biện pháp để thực hiện cho hiệu quả việc các tổ hợp tác phải thực hiện thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Trước mắt làm tốt việc mà các tổ hợp tác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo để nắm được thông tin ở Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong trường hợp giữ thủ tục đăng ký, đại biểu đề nghị phải có chính sách tư vấn miễn phí và miễn cả lệ phí đăng ký cho các nhà đầu tư là thành viên tổ hợp tác.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Cùng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng Luật Hợp tác xã chỉ ghi nguyên tắc chung và quan trọng về đăng ký tổ hợp tác. Việc đăng ký nên thực hiện theo Bộ luật Dân sự là đã đầy đủ và chi tiết. Ngoài ra, khi có góp vốn phải có đăng ký chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập sổ theo dõi, mà không nên quy định đăng ký tại cơ quan cấp huyện để giảm thủ tục hành chính và không cần thiết. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy hiện nay để đơn giản hóa thủ tục hành chính, có thể cho phép tổ hợp tác có nguyện vọng đăng ký kinh doanh để trở thành tổ chức tiền hợp tác xã tại Cổng dịch vụ công cấp xã, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.

Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, đại biểu Hà Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm các quy định để khuyến khích mô hình tổ hợp tác phát triển và thu hút hộ cá thể tham gia. Bởi, tổ hợp tác chính là nguồn để phát triển lên hợp tác xã và đảm bảo cho mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 35.000 hợp tác xã.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76231