Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Sáng 19/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Tờ trình,báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư 2 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Quốc hội tập trung thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được trình tại kỳ họp này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định có liên quan.

Về mô hình tổ chức Tòa án: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực...

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với dự thảo và đề xuất hoàn thiện mô hình tổ chức tòa án trong giai đoạn mới. Việc tổ chức lại hệ thống Tòa án theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyển sang mô hình ba cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân khu vực nhận được sự đồng thuận cao.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề thẩm quyền theo lãnh thổ và yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.Việc tổ chức lại hệ thống Tòa án theo hướng khu vực sẽ làm gia tăng áp lực công việc tại các tòa mới sáp nhập. Do đó, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao cần có chính sách thu hút nhân lực có chuyên môn sâu, đồng thời ưu tiên đào tạo thẩm phán làm việc ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Việc này không chỉ bảo đảm hiệu quả vận hành của bộ máy mới mà còn giúp nâng cao chất lượng xét xử trong bối cảnh các vụ việc ngày càng phức tạp.

Tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến thẩm quyền, cơ chế giám sát giữa tòa án các cấp; việc thành lập tòa án phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại khu vực…

Buổi chiều, Quốc hội nghe các Tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hôịthảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-738116.htm