Quốc hội thảo luận về KT-XH của đất nước

Ngày 3.11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV tổ chức thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia…

Mở đầu phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã xem video clip báo cáo kết quả giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Trong phiên họp chiều nay, các thành viên Chính phủ tiếp tục phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu...

Quốc hội dành 3 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội dành 3 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Trong phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 23 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận và 2 Bộ trưởng đã tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Quyết tâm chính trị của Chính phủ, của Thủ tướng

Đại biểu Dương Xuân Hòa, tỉnh Lạng Sơn thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra.

Đại biểu cho biết, thực hiện Nghị quyết 112 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, đã đạt nhiều kết quả. Theo Bộ TN&MT, đến tháng 9/2019, các công ty nông, lâm nghiệp còn giữ lại hơn 1,8 triệu ha đất, tổng số diện tích bàn giao về địa phương là hơn 1 triệu ha.

Tuy nhiên, công tác quản lý diện tích đất này còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, đại biểu đề nghị cần giải quyết dứt điểm, cần đặc biệt quân tâm các hộ gia đình thiếu đất ở, đất sản xuất, khắc phục triệt để tình trạng tái lấn chiếm đất…

Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu nhấn mạnh, giá trị giải ngân trong những tháng qua đạt 264 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều cùng kỳ các năm trước, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế. Phân tích các nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân đầu tư công ở một số dự án, địa phương, đại biểu đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) cũng cho rằng vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, chưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cần được chỉ rõ ở bộ ngành nào, địa phương nào.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu.

Băn khoăn về sự trùng lặp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu đề nghị ưu tiên thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tập trung nguồn lực cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn (tỉnh An Giang) nhắc lại kết quả đánh giá của quốc tế về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 2 châu A, thứ 5 thế giới, trong một năm nhiều biến động. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ kịp thời DN và người dân gặp khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn được bảo đảm… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn, đây là vấn đề cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Đại biểu cho rằng, chỉ số xếp hạng năng lực Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 13 bậc so với 2014, nhưng vẫn đứng thứ 6 trong ASEAN. Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thiện khung pháp lý về Chính phủ điện tử, cụ thể như văn thư lưu trữ điện tử, chia sẻ nền tảng dữ liệu, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Đại biểu cũng quan tâm tới vấn đề nợ công, phát triển hạ tầng, phát triển năng lực ứng phó thiên tai…

Đại biểu Cao Đình Thường (tỉnh Phú Thọ) cho rằng nếu để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại thì mọi nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống, toàn xã hội, những kết quả phát triển trong năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí tới cả kế hoạch, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu đề nghị Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống COVID-19, bổ sung 3 kịch bản phát triển khi hết dịch, dịch đang diễn biến như hiện nay và dịch bùng phát trở lại để các bộ ngành, địa phương xây dựng các phương án ứng phó cụ thể, chủ động.

Chung ý kiến với đại biểu Cao Đình Thường, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) cho rằng cần đánh giá đầy đủ việc triển khai gói hỗ trợ dành cho DN, người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đại biểu Cao Đình Thường dẫn khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy đến tháng 9/2020 mới chỉ 3% DN vừa và nhỏ nhận được hỗ trợ. Theo các đại biểu, hỗ trợ trực tiếp chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài phải làm sao không để đứt gãy chuỗi cung ứng, cải cách hành chính, kích cầu, giúp DN giảm chi phí, tạo đà phục hồi và phát triển cho DN. Đồng thời, cần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực cho DNNN, mở rộng, trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết để DNNN thực sự là “quả đấm thép” cho nền kinh tế, tạo sức lan tỏa tăng trưởng.

Đề cập đến việc cắt lũ, xả lũ của các hồ chứa, hồ thủy điện trong đợt bão lũ vừa qua, đại biểu Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ. Các chủ hồ, DN vận hành thủy điện có trách nhiệm giải phóng mặt bằng tại vùng hạ du để bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.

Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đánh giá tác độ biến đổi khí hậu đến từng hồ đập, mức độ an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện, đặc biệt trong mùa lũ; tăng cường giám sát việc trồng và phục hồi rừng tại khu vực triển khai dự án thủy diện...

Nhiều bài học từ các dự án đường sắt đô thị

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020, ngành GTVT được bố trí 40.000 tỷ đồng, đến ngày 30/10/2020, đã giải ngân hơn 29.000 tỷ đồng, tương đương 73%, cao hơn mức trung bình cả nước 13%.

Các dự án giao thông đường sắt đô thị được triển khai thời gian qua bộc lộ rất nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Những bài học được rút ra là quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải lựa chọn được công nghệ, nhà thầu tốt, bảo đảm mặt bằng sạch khi triển khai dự án...

Sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với những TP. lớn để những dự án đường sắt đô thị khởi công mới tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay, đây là hướng đột phá giải quyết ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận.

Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT có một số chương trình, nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc lớn, từ đó lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng để đầu tư, nhằm nâng số km đường cao tốc hiện nay từ hơn 40 km lên hơn 300 km. Không có cao tốc thì thu hút đầu tư phát triển vùng ĐBSCL sẽ rất khó khăn.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Bình Phước), thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại biểu nêu thực tế việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải chỉ đạo, trong khi đây là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân là công tác lập kế hoạch không sát thực tế, không khả thi, đại biểu nói và nêu ví dụ một số dự án đang triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội chậm rất so với kế hoạch ban đầu. Một một số dự án ODA triển khai khi thủ tục chưa hoàn chỉnh nên không thể bàn giao. Công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều vướng mắc, chậm triển khai.

Đại biểu đề xuất Chính phủ có giải pháp hữu hiệu lựa chọn các bộ ngành, địa phương để giao vốn đầu tư công, tránh cào bằng; kiên quyết thu hồi các dự án chậm giải ngân, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cải cách thủ tục hành chính về thủ tục thực hiện dự án tư công, có cơ chế giám sát, xử lý; các bộ ngành chỉ đạo sát sao, chặt chẽ các khâu thuộc trách nhiệm, lĩnh vực quản lý khi triển khai dự án đầu tư công, không để quả bóng trách nhiệm bị đá qua, đá lại.

Từ những thiệt hại qua đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) đề nghị Quốc hội có nghị quyết để Chính phủ có giải pháp, nguồn lực đủ để di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; rà soát, nghiên cứu để phân vùng, cảnh báo, quy hoạch… đối với những địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi có thiên tai.

Cố gắng vượt bậc trong phát triển thêm hàng triệu ha rừng

Trao đổi thêm về ý kiến một số địa biểu liên quan đển phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ rừng, phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Xuân Cường cho biết nhìn lại năm 2016 mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón, chủ yếu là vô cơ với 710 cơ sở sản xuất, đến nay số phân bón hữu cơ đã đạt gần 4 triệu tấn, không tăng thêm nhà máy sản xuất phân bón vô cơ. Cả nước có 243.000 ha đất nông nghiệp canh tác theo hữu cơ, xuất khẩu 235 triệu USD sản phẩm nông sản hữu cơ.

Tương tự, khối lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ 120.000 tấn vào năm 2016 đến năm 2019 còn 75.000 tấn trong đó 20% là thuốc sinh học.

Thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hoàn chỉnh thể chế, chế tài... để vận hành nền nông nghiệp phát triển bền vững, dinh dưỡng cao, tăng xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin nếu năm 1990 cả nước có khoảng 9 triệu ha rừng thì sau 30 năm chúng ta có 14,6 triệu ha, trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, trong khi thế giới là 29%, đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng tự nhiên tăng dần qua các năm và đến nay đạt mức 250.000 đồng/ha và Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu nâng lên mức 1 triệu đồng/ha. Đáng chú ý nguồn thu từ bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tăng như phí môi trường rừng một năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, mới đây Việt Nam đã ký thỏa thuận bán 10 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 50 triệu USD dành cho trồng rừng và bảo vệ rừng. Việt Nam đã được thế giới công nhận tham gia phát triển bền vững.

Ngoài ra 4,3 triệu ha rừng nguyên liệu đã cung cấp khoảng 30 mét khối nguyên liệu, đáp ứng phần lớn nhu cầu của 4.600 DN chế biến gỗ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 13 tỷ USD trong năm 2020.

Tại khu vực ĐBSCL, sau khi có nghị định “thuận thiên” của Chính phủ, nông nghiệp ĐBSCL chuyển mạnh từ khai thác tự nhiên sang thích ứng,, tái cơ cấu thời vụ, vùng sản xuất, chuyển đổi 400.000/1,8 triệu ha đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả đạt giá trị cao.

Thời gian tới, nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ vào thị trường, nguồn nước, đưa KHCN kết hợp với kinh nghiệm dân gian để phát triển bền vững.

Điểm sáng tăng trưởng trong đại dịch COVID-19

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội nhắc lại, tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, COVID-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ, đến nay trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tỷ vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm COVID-19. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phát biểu.

Kết quả đạt được trong việc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Đặt vấn đề về mục tiêu năm 2021 bao nhiêu là phù hợp, đại biểu cho rằng, Chính phủ đặt ra kế hoạch phát triển năm 2021 với mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, trong đó chỉ tiêu tăng GDP từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.

Đại biểu kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cầm thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021.

Đại biểu cho rằng, năng suất lao động vẫn là vấn đề cần quan tâm, nhưng tăng năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động. Đại biểu đề nghị phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương…

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) đánh giá năm 2020 có nhiều thách thức như hạn mặn đầu năm, dịch bệnh COVID-19, những ngày qua thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao.

Cảm ơn đồng bào cả nước chia sẻ với miền Trung

Đại biểu Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành Trung ương, các địa phương, nhân dân cả nước đã chia sẻ với những khó khăn, mất mát của của đồng bào miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam, phải gánh chịu trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ người dân hỗ trợ vùng sạt lở làm nhà sàn ở miền núi, nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành, đại biểu Quốc hội bên lề phiên thảo luận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành, đại biểu Quốc hội bên lề phiên thảo luận.

Tổng rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, kiên cố hóa các điểm trường vùng núi vì đây là nơi người dân tránh trú khi xảy ra bão, lũ.

Rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP. Hà Nội) nêu thực trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề như dự án lớn, đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, gây bức xúc, cần rút kinh nghiệm để không lặp lại các dự án sau.

Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng các dự án đường sắt đô thị cần phải gắn kết với định hướng phát triển hệ thống vận tải công cộng, liên kết chặt chẽ với không gian đô thị, bảo đảm tiện nghi phù hợp, có kết nối giữa nhà ga và đô thị, mạng lưới bãi xe, xe buýt trung chuyển,… Đầu tư đường sắt đô thị cần gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, hệ thống giao thông công cộng nếu không đây chỉ là loại hình giao thông nhập khẩu.

Chúng ta cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị phù hợp điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như ở Tokyo.

Đại biểu TP. Hà Nộ cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn đến lần thứ 9.

Đại biểu Trần Văn Cường, đoàn Đồng Tháp bày tỏ cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ, góp ý về việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thời gian qua. Theo đại biểu, cử tri phản ánh tình trạng khá phức tạp về thuốc giả, phân bón kém chất lượng, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Đại biểu cho rằng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện số lượng thuốc bảo vệ thực vật và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, quản lý khó khăn. Chế tài với các vi phạm chưa đủ sức răn đe, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ đã lạm dụng thuốc. Danh mục chất cấm chưa đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực.

Đại biểu kiến nghị cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực về kiểm soát các hoạt chất, hóa chất độc hại; tăng cường chế tài với các vi phạm; thí điểm áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản…

Một giải pháp quan trọng là thay đổi nhận thức người dân, để người dân nhận thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; ý thức về giống nòi mai sau và sự phát triển bền vững của đất nước…

Mở đầu phiên thảo thuận, đại biểu Nguyễn Thị Lan (TP. Hà Nội) đề xuất một số kiến nghị chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là mô hình DN khởi nguồn công nghệ hình thành trong các trường ĐH để thương mại hóa các công nghệ được được nghiên cứu, phát triển trong các trường ĐH, viện nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Lan để nghị cần rà soát hoàn thiện văn bản dưới luật liên quan để thúc đẩy thị trường KHCN, thương mại hóa như Luật Giáo dục ĐH, Luật KH&CN… ; bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, dự báo đổi mới công nghệ; có chính sách đột phá, thích hợp để huy động được đội ngũ đông đảo những người làm khoa học trong nước khoa học tham gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, thu hút các nhà khoa học nước ngoài và Việt kiều.

Những dấu ấn nổi bật

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng).

Quốc hội cũng thảo luận về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Cùng với đó, Quốc hội thảo luận về dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Chiều cùng ngày, từ 16 giờ 40, Quốc hội thảo luận về công tác nhân sự.

Các ngày 4 và 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Thảo luận tại tổ ngày 1/11, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Báo cáo kinh tế-xã hội được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội rất sinh động, toàn diện, có minh chứng rõ ràng với những số liệu rất cụ thể và thuyết phục. Những kết quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, sát sao, linh hoạt và nhạy bén.

Theo báo cáo của Chính phủ, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, chúng ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh.

Cùng với đó, trong 5 năm qua, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được quyết liệt chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tổng hợp theo: chinhphu.vn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202011/quoc-hoi-thao-luan-ve-kt-xh-cua-dat-nuoc-767475/