Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam phát biểu tại phiên họp.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. Hiện nay Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng tại 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1 thành phố trực thuộc tỉnh; việc ban hành chính sách cơ chế đặc thù là một chủ trương đúng đã kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc từ thực tiễn, các cơ chế đặc thù đã góp phần giúp các địa phương thí điểm cởi trói, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Từ việc đánh giá thực tiễn thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị với Quốc hội với trách nhiệm trong việc xây dựng thể chế sớm chỉ đạo, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết đặc thù, chỉ giữ lại các cơ chế đặc thù tương thích với các đặc điểm riêng biệt của địa phương chủ yếu ở các công trình đặc biệt. Còn đối với các cơ chế, chính sách thí điểm đang là vướng mắc chung của các địa phương phải sớm được nhân rộng và áp dụng chung thông qua việc sửa đổi các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền trên diện rộng.

Về tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một số đại biểu cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 - 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, một số ý kiến đại biểu cho biết mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống. Theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng; Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%... Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh thắt lưng, buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Các ý kiến kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10/2024 để giải quyết các bất cập trong thực tiễn xảy ra.

Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Theo các đại biểu, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc; mặc dù đã có nhiều cuộc họp nhằm đẩy mạnh triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhưng đến nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ việc tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn vay... dẫn đến chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Các ý kiến đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, đẩy mạnh để nhà đầu tư, người mua có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng. Bố trí thêm từ nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi khó thu hút nhà đầu tư; đa dạng hóa các hình thức nhà ở xã hội, các hình thức thuê, thuê mua để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-va-ngan-sach-nha-nuoc-212813.htm