Sáng 12/6, Quốc hội (QH) tiếp tục ngày làm việc thứ 5, đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà QH, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. QH tiếp tục dành thời gian cho công tác nhân sự và thảo luận dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH tại Phiên thảo luận.
Đại biểu Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát biểu tại Phiên thảo luận ngày 13/6. * Ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018.Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội phát thanh, truyền hình trực tiếp. Tham gia phát biểu tại Phiên thảo luận,đại biểu Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đánh giá cao nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế. Tính đến sáng nay (13/6), đã 58 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Kinh tế trong nước và các hoạt động thể thao đã bắt đầu sôi động trở lại (Cúp bóng đá quốc gia sang vòng tứ kết; Cúp LS đang sang vòng 4 với hàng ngàn khán giả trên sân). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, ta chỉ có thể kiểm soát tốt dịch bệnh ở nước ta, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tính đến 9h, ngày 12/6, thế giới ghi nhận trên 7,5 triệu người mắc và 450.000 người đã tử vong, hàng ngày vẫn ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm mới. Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xuất khẩu bị đình trệ và nguồn nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn. Trong quý I, tăng trưởng chỉ đạt 3,87%; nông nghiệp tăng 0,08%; công nghiệp, xây dựng 5,5%; dịch vụ 3,27%. Bên cạnh đó, việc đưa ra kịch bản dự báo thời điểm nào ngăn chặn, khống chế được dịch bệnh của thế giới rất khó dự báo. Thêm nữa, thế giới lại sôi động lên sau cái chết của George Perry Floyd "tôi không thể thở” đã làm bùng lên những cuộc biểu tình đi liền với sự trở lại của đại dịch. Xuất phát từ tình hình trên, để đạt được mục tiêu kép, đại biểu Bùi Thu Hằng đề xuất 5 nhóm nội dung, giải pháp, cụ thể như sau: 1. Đề nghị Chính phủ nắm chắc tình hình dịch bệnh trên thế giới, đưa ra các kịch bản đề xuất giảm chỉ tiêu tăng trưởng trình QH ở thời điểm thích hợp. Đại biểu cũng cho rằng, trong điều kiện này, năm 2020 tăng trưởng đạt một nửa so với kế hoạch là tốt rồi. 2. Do thu ngân sách sẽ thấp đi rất nhiều so với dự toán kế hoạch năm. Đề nghị Chính phủ trình QH giảm nhiệm vụ chi, trong đó giảm chi thường xuyên, tiết kiệm hội họp, bỏ dự toán đi nước ngoài, phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo đủ nguồn chi cho những dự toán đã thực hiện và chi hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ, chi hỗ trợ doanh nghiệp. 3. Trong điều kiện hiện nay, khi chưa xây dựng được kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, nguồn thu giảm so với kế hoạch và còn ảnh hưởng đến phát triển KT-XH từ dịch Covid các năm sau. Nguồn thu 2021 còn khó dự đoán nên đề xuất của Chính phủ về ổn định thời kỳ ngân sách tăng lương theo lộ trình cho người có công, các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí để đảm bảo an sinh xã hội. 4. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, khởi công các công trình lớn từ nguồn đầu tư công và nguồn ngoài ngân sách, thúc đẩy nhanh dòng tiền vào xã hội. Cho phép thực hiện song song nhiều thủ tục đầu tư trong cùng một thời điểm như dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sắp được thông qua. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc về thủ tục đầu tư để tháo gỡ kịp thời. Thực hiện giải quyết thủ tục đầu tư song song không chỉ ở Luật Xây dựng mà nên áp dụng ở cả các luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch… Song mỗi giai đoạn thì được tích hợp đồng bộ và hoàn chỉnh thủ tục các dự án có nhiều sự chồng chéo giữa các luật với nhau và chồng chéo ngay trong một luật, không biết thủ tục nào làm trước, thủ tục nào làm sau như Luật Đất đai. 5. Trong hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid, đại biểu cũng cho rằng việc hỗ trợ thời điểm này là phù hợp. Các doanh nghiệp đã cầm cự thời gian khá dài từ sau Tết Nguyên đán đến nay lo duy trì sản xuất, lương công nhân, lo giữ người lao động, lo giữ quan hệ thương mại, sản xuất… Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn càng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là du lịch, vận tải, xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, 85,5% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do vậy, đại biểu đề nghị dùng các chỉ số của doanh nghiệp cuối năm 2019 (doanh thu, thu nhập, nộp thuế, số người lao động…) để hỗ trợ tại thời điểm này. Nếu chúng ta dùng chỉ số năm 2020 thì đến năm 2021 doanh nghiệp mới được hỗ trợ. Thực tế, Chính phủ đã dùng số liệu giảm nghèo năm 2019 để hỗ trợ ngay cho người nghèo, người cận nghèo là điều đúng đắn. Nội dung quan trọng này sẽ được QH tiếp tục cho ý kiến trong cả ngày 15/6 tới. Bùi Hiển (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh) - P.V (TH)