Quốc hội thảo luận về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia - Đánh giá thực chất, nhìn rõ vướng mắc để tháo gỡ

Ngày 30-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bày tỏ ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kết quả thực hiện các chương trình một cách thực chất, nhìn rõ vướng mắc để tháo gỡ, qua đó, đẩy mạnh thực hiện, bảo đảm các mục tiêu đề ra.

Cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát và có báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV). Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến ngày 30-6-2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới.

 Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 30-10. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 30-10. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tuy nhiên, Đoàn giám sát đánh giá, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách Trung ương của các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả; một số địa phương vẫn còn nợ tiêu chí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp, công tác duy trì kết quả bền vững ở một số xã sau khi hoàn thành nông thôn mới còn hạn chế.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra. Theo Đoàn giám sát, chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm; bước đầu cải thiện mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Các địa phương đã sử dụng nguồn lực của chương trình để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng-xã hội tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mặc dù vậy, việc phân bổ ngân sách Trung ương còn chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; việc lồng ghép vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo còn chưa thực chất...

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp bà con xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) thu hoạch lúa. Ảnh: THẾ MẠNH

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp bà con xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) thu hoạch lúa. Ảnh: THẾ MẠNH

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đoàn giám sát cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế-xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của chương trình. Theo Đoàn giám sát, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với năm 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác là rất khó khăn.

Đoàn giám sát đánh giá, thông qua hoạt động giám sát, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương nhận thức được thực chất, đầy đủ hơn về thực trạng các chương trình, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Cần quy định thống nhất một cơ chế quản lý

Thảo luận tại hội trường về các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, các chương trình này là chủ trương đúng đắn, quan trọng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc miền núi đã có nhiều khởi sắc. Chương trình xây dựng nông thôn mới bám sát mục tiêu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững.

Đánh giá 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tránh sự chồng chéo và tạo sự thuận lợi nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn để thực hiện cho 3 chương trình. Vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế, quy định riêng sẽ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ tạo ra sự chồng chéo, dễ gây bất đồng tại các khu vực thụ hưởng, dẫn tới giảm hiệu quả.

 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 30-10. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia ngày 30-10. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) quan tâm đến việc hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo vì đây là cách giúp thoát nghèo bền vững. Theo đại biểu Trần Quang Minh, cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa, nhiều địa phương mới giảm nghèo về số lượng trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất. Bên cạnh đó, cần phải phát huy kênh bảo trợ xã hội với các hỗ trợ căn bản nhất cho những người nghèo không có khả năng thoát nghèo.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu vấn đề, quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình mục tiêu, chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên. Về vấn đề giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị, cần cân nhắc phân bổ vốn này về cho các địa phương một cách tổng thể để các địa phương có thể suy nghĩ, tùy điều kiện của mình giải quyết những vấn đề liên quan đến xóa đói, giảm nghèo.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm hơn đến y tế cơ sở để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân, tránh trường hợp tái nghèo do trong gia đình có người bị bệnh, phải điều trị tốn kém. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đánh giá, hiện nay nguồn lực cho y tế cơ sở hạn chế nên việc điều trị còn nhiều bất cập, tỷ lệ biến chứng rất cao ở các địa phương nghèo. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ Y tế và các địa phương tập trung vào dự án chẩn đoán và điều trị các bệnh lý không lây nhiễm phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao ở địa phương.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều giải pháp về tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn như hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và thị trường, tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị...

Đề xuất cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Phát biểu làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, cấp tỉnh đã được thực hiện, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn lại ban chỉ đạo ở các cấp cho đồng bộ, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Về các văn bản hướng dẫn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ bản đã hoàn thành văn bản hướng dẫn của Trung ương, tuy nhiên, việc ban hành văn bản vẫn còn chậm do khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định các vấn đề về văn bản hướng dẫn, giao vốn, vướng mắc, bất cập cơ bản được giải quyết, vấn đề quan trọng hiện nay là tập trung thực hiện, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn.

 Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống. Ảnh: THẾ MẠNH

Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống. Ảnh: THẾ MẠNH

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đánh giá, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn vốn. Vấn đề phân cấp, phân quyền cho các địa phương được đẩy mạnh và đem lại nhiều kết quả, giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội cơ chế thí điểm mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thực hiện việc được phép điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với đó được phép điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp nếu chi không hết chuyển sang chi cho đầu tư phát triển. Nếu cơ chế này được Quốc hội cho phép sẽ là tháo gỡ lớn trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhìn nhận trong thực tế có trường hợp địa phương không muốn đạt chuẩn nông thôn mới vì lo ngại mất nguồn lực hỗ trợ, tương tự là nếu thoát nghèo sẽ không còn được thụ hưởng chính sách, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân có tâm thế mới, vượt qua sự ỷ lại. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện chương trình, đi liền với giải ngân vốn đầu tư, cần coi trọng chất lượng đầu tư, tiếp tục nỗ lực, cố gắng để đạt được mục tiêu đề ra.

Hôm nay (31-10), Quốc hội tiếp tục làm việc.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quoc-hoi-thao-luan-ve-viec-trien-khai-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-danh-gia-thuc-chat-nhin-ro-vuong-mac-de-thao-go-749329