Quốc hội thảo luận việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30

Chiều 7/1, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Phiên làm việc ngày 7/1 kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phiên làm việc ngày 7/1 kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) cho rằng, Nghị quyết 30 đã tạo ra nhiều kết quả tích cực, giúp đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn khó khăn. Đại biểu tán thành cao việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết.

Đồng thời đề nghị, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí, dễ triển khai thực hiện việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thanh toán, quyết toán chi phí kiểm soát dịch, dễ kiểm tra, giám sát.

Tán thành việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng điều này là cần thiết.

Đại biểu phân tích, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng mới rất phức tạp, nguy hiểm trong điều kiện nguồn vacine còn khó khăn, diện bao phủ vaccine chưa được nhiều đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 là rất kịp thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19.

"Đây là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn", ông Thắng nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách pháp luật có liên quan đến hoàn thiện hơn hệ thống chính sách pháp luật, nhất là cơ chế về phòng, chống dịch bệnh cũng như ứng phó với những vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trước ngày 31/12/2012 mà đến nay vẫn chưa thanh toán xong.

Đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ, có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục, bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh COVID-19.

Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) bày tỏ thống nhất cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng, chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch.

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-thao-luan-viec-chuyen-tiep-thuc-hien-mot-so-chinh-sach-theo-quy-dinh-tai-nghi-quyet-so-30-102230107163119115.htm